Để bảo vệ một loài chim quý, chính quyền thị trấn Walldorf (Đức) vừa ban hành lệnh cấm người dân thả rông mèo lẫn dắt mèo đi dạo.
Các nhà bảo vệ quyền động vật phản đối, cho rằng như vậy là "phân biệt đối xử động vật" và sẽ khiến mèo bị "tủi thân, trầm cảm".
Để bảo vệ loài chim sơn ca mào khỏi bị mèo ăn thịt, Chính phủ Đức đã ban hành một lệnh cấm đặc biệt kéo dài trong ít nhất 3 tháng. Kể từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8, người dân nuôi mèo tại thị trấn Walldorf của Đức không được phép thả rông mèo của mình.
Ngay cả việc dắt mèo đi dạo cũng bị cấm. Ai vi phạm có thể bị phạt từ 500 euro, thậm chí bị phạt đến 50.000 euro (1,23 tỉ đồng theo tỉ giá ngoại tệ hiện tại) nếu bị bắt quả tang để mèo làm bị thương hoặc ăn thịt chim.
Quy định được đưa ra nhằm giúp loài chim sơn ca mào sống sót qua mùa sinh sản. Loài này có tập tính làm tổ ngay trên mặt đất mà không phải trên cây như các loài chim khác nên dễ trở thành con mồi của loài mèo.
Quần thể chim sơn ca mào đã giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây. Các nhà chức trách ở Walldorf cho biết sự tồn vong của loài chim này phụ thuộc vào số phận từng con chim non trong những mùa sinh sản tới đây.
Bởi thế nên Chính phủ Đức đưa ra quy định không chỉ trong năm nay, mà sẽ liên tục lặp lại trong ba năm tiếp theo (từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm) và áp dụng cho tất cả mèo (của bất cứ ai) ở thị trấn Walldorf. Những con mèo hoang cũng được lên kế hoạch bắt nhốt.
Quy định cấm thả rông mèo khiến không chỉ chủ nuôi phản đối, mà cả các tổ chức bảo vệ quyền động vật cũng lên tiếng.
Trên Euronews Green, Deutscher Tierschutzbund - tổ chức phúc lợi động vật lớn nhất của Đức - cho biết: "Không có cơ sở chắc chắn nào chứng minh quần thể chim sơn ca mào bị giảm số lượng là do loài mèo ăn thịt. Đổ lỗi cho chúng là không công bằng. Việc bỗng nhiên nhốt những con mèo đang có thói quen ra ngoài chơi chẳng khác nào "giãn cách xã hội". Điều đó sẽ gây căng thẳng, trầm cảm cho chúng".
Tổ chức Deutscher Tierschutzbund ủng hộ các biện pháp bảo vệ chim sơn ca mào nhưng cho rằng: "không loài vật nào được ưu tiên hơn loài khác. Động vật cũng cần có sự công bằng".
Một số nhà hoạt động quyền động vật khác cũng lên tiếng cho rằng việc cấm mèo ra ngoài vì sợ ăn thịt chim chẳng khác nào đổ lỗi cho chúng, bắt chúng phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó con người mới là thủ phạm đã phá hủy môi trường sống và nguồn cung cấp thức ăn cho các loài hoang dã trong một thời gian dài.
Daniela Schneider, nhà vận động cho Four Paws Germany - tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu dành cho các loài động vật chịu sự tác động trực tiếp của con người, cho biết: "Ảnh hưởng của nền nông nghiệp thâm canh, độc canh, thiếu thốn côn trùng và sự phát triển đất công nghiệp là nguyên nhân chính làm giảm số lượng chim sơn ca mào. Sẽ tốt hơn nếu nhìn vào nguyên nhân thực tế do con người gây ra hơn là đổ lỗi cho những con mèo về điều này".
Các tổ chức và hiệp hội bảo vệ động vật địa phương đang có kế hoạch thực hiện các bước pháp lý để chống lại lệnh cấm này, đòi lại công bằng cho loài mèo. Những chủ nuôi mèo bị ảnh hưởng bởi quy đinh mới (chẳng hạn chứng minh được mèo bị trầm cảm vì nhốt mãi trong nhà) cũng có thể thực hiện quyền phản đối của họ cho đến giữa tháng 6 này.
Cuộc tranh luận về việc liệu mèo có nên được tự do đi lang thang hay không đang thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân Đức. Ngành công nghiệp thực phẩm vật nuôi châu Âu ước tính 26% tổng số hộ gia đình ở châu Âu sở hữu ít nhất một con mèo.
Một nghiên cứu vào năm 2013 ước tính rằng chỉ riêng mèo nhà nuôi thả rông ở Mỹ đã giết chết khoảng 2,4 tỉ con chim và 12,3 tỉ động vật có vú nhỏ mỗi năm.
Số liệu gần đây nhất của Hiệp hội Động vật có vú cho thấy mèo ở Anh có thể bắt tới 100 triệu động vật nhỏ trong mùa xuân và mùa hè, bao gồm 27 triệu con chim. Những loài chim thường bị bắt nhất là chim sẻ nhà, chim vành khuyên, chim sơn ca và chim sáo đá.
Bất chấp những thống kê này, tổ chức từ thiện bảo tồn động vật lớn nhất của Anh là RSPB cũng nói rằng không có bằng chứng khoa học rõ ràng cho thấy mèo là nguyên nhân chính gây giảm sút số lượng loài chim.
PV (T/h)