Ngôi làng duy nhất trên thế giới khi mà đàn ông và phụ nữ dù sinh ra và lớn lên cùng nhau nhưng vẫn nói hai ngôn ngữ khác nhau.
Mặc dù tỉ lệ khác nhau của các từ trong 2 ngôn ngữ dành riêng cho nam giới và nữ giới tại Ubang, Nigeria không thể biết chính xác là bao nhiêu song có nhiều ví dụ cho thấy những người khác giới tại đây nói hai ngôn ngữ.
Chẳng hạn, đối với từ “quần áo”, nam giới sẽ nói là “nki”, trong khi phụ nữ sẽ nói “ariga”, từ “cây cối” sẽ được nam giới phát âm là “kitchi”, còn phụ nữ nói là “okweng”…
Những từ ngữ này không chỉ khác nhau về cách phát âm, mà còn khác nhau về cách viết. Tuy nhiên, cả nam giới và phụ nữ ở Ubang đều có thể hiểu nhau một cách hoàn hảo.
Điều này có thể do khi sinh sống cùng cha mẹ, cả bé trai và bé gái đều học được cả hai ngôn ngữ. Đến 10 tuổi, các bé trai sẽ phải nói bằng ngôn ngữ dành cho nam giới.
Trưởng làng Ubang, Oliver Ibang chia sẻ: “Đến một độ tuổi nhất định, nam giới tự phát hiện mình đang không sử dụng ngôn ngữ chính xác của mình. Khi cậu ấy bắt đầu chuyển sang ngôn ngữ dành cho đàn ông, điều đó có nghĩa là cậu ấy đã trưởng thành. Còn không, điều đó được xem là bất thường. Sẽ không ai nói với người đó rằng cậu phải chuyển sang nói ngôn ngữ của nam giới”.
Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chính xác nguồn gốc của việc sử dụng hai ngôn ngữ ở Ubang nhưng hầu hết người dân địa phương tin vào truyền thuyết: Chúa tạo ra Adam và Eva là người Ubang, ban cho họ hai ngôn ngữ khác nhau. Chúa định cung cấp cho mỗi nhóm dân tộc hai ngôn ngữ nhưng nhận ra không đủ nên chỉ dừng lại ở làng Ubang.
Trong khi đó, nhà nhân chủng học Chi Chi Undie tin rằng việc sử dụng hai ngôn ngữ là kết quả của “nền văn hóa hai giới tính”, nơi đàn ông và phụ nữ hoạt động trong hai lĩnh vực riêng biệt và sống trong những thế giới riêng biệt, hiếm khi đến được với nhau. Tuy nhiên, bà thừa nhận đây là một giả thuyết không chắc chắn, vì văn hóa hai giới tính tồn tại ở nhiều vùng của Châu Phi, ngoại trừ các ngôn ngữ khác nhau dành cho nam và nữ.
Để bảo tồn các giá trị ngôn ngữ, nhiều giáo viên tại Ubang đã kêu gọi triển khai các giải pháp như xuất bản sách giáo khoa bằng tiếng Ubang, thậm chí là tiểu thuyết và phim ảnh.
Hiệp hội ngôn ngữ Nigeria cho biết, 50 trong số 500 ngôn ngữ của quốc gia này có thể biến mất trong tương lai nếu không thực hiện các biện pháp bảo tồn. Việc giảng dạy ngôn ngữ bản địa Nigeria trong các trường học cũng là một phần của chính sách quốc gia về giáo dục, nhằm đề cao tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa, cũng như thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc.
PV (T/h)