Người ta thường nghe đến bệnh trầm cảm chứ gần như chưa từng nghe về bệnh trầm cảm cười. Tuy nhiên, đó là căn bệnh có thực mà Diệp Lâm Anh là người mắc phải.
Tại buổi tiệc ở tập 4 Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Diệp Lâm Anh đã gây bất ngờ khi đột nhiên chia sẻ về căn bệnh bản thân mắc từ lâu nhưng chưa bao giờ nói ra, đó là: Bệnh trầm cảm cười.
Người đẹp chia sẻ: "Em có câu chuyện chưa bao giờ kể, đó là em mắc bệnh trầm cảm cười". Theo lời Diệp Lâm anh, cô rất dễ cười. "Em muốn bất cứ ai đối diện với em thì đều thấy em có rất nhiều năng lượng. Chứng trầm cảm cười có biểu hiện là lúc nào đối mặt với thế giới xung quanh, mình cũng muốn bản thân thật mạnh mẽ, mình phải cười, phải vui. Nhưng khi tự đối diện với chính mình thì ngược lại hoàn toàn".
Câu chuyện Diệp Lâm Anh khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi trước công chúng cô luôn tỏ ra là một người phụ nữ mạnh mẽ, năng động và rất sắc sảo. Hơn nữa, người ta thường nghe đến bệnh "trầm cảm" chứ gần như chưa từng nghe về bệnh "trầm cảm cười".
Theo Phunuso, trầm cảm cười thực tế đây là một căn bệnh hoàn toàn có thật. Khi nghĩ về một người trầm cảm, bạn không thấy họ mỉm cười hay hạnh phúc. Thực ra, không phải ai cũng trải qua trầm cảm theo cách giống nhau. Thậm chí một số người có thể không biết rằng họ đang bị trầm cảm.
Trầm cảm cười là gì?
Trầm cảm cười (Smiling Depression) là một thuật ngữ các bác sĩ dùng để mô tả một người luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan để che giấu căn bệnh trầm cảm mà họ đang chịu đựng.
Những người này luôn mỉm cười nhưng trên thực tế, họ luôn đang phải vật lộn với cảm giác đau khổ, buồn bã. Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy những người mắc chứng trầm cảm cười thường là những người rối loạn trầm cảm kéo dài.
Một thực tế đáng sợ là những người mắc chứng trầm cảm cười thường che giấu các triệu chứng bệnh mà họ đang gặp phải. Thay vào đó, người mắc bệnh thường biểu lộ những cảm xúc cười nói rất bình thường cho dù tâm trạng bên trong đang rất tồi tệ.
Nguyên nhân chính gây ra hội chứng này thường là do người bệnh phải chịu nhiều áp lực từ công việc, tình cảm hay cuộc sống. Nếu không tìm cách khắc phục ngay thì chứng bệnh này sẽ dần gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống tinh thần của người bệnh.
Dấu hiệu bệnh trầm cảm cười
Những người bị trầm cảm cười không bộc lộ những vấn đề mình gặp phải ra bên ngoài. Người bệnh luôn cố tạo ra một vỏ bọc hoàn hảo để thể hiện rằng bản thân vẫn luôn hạnh phúc. Do đó trong mắt mọi người, người bị trầm cảm cười sẽ có những biểu hiện hoàn toàn bình thường như:
- Thể hiện bản thân luôn vui vẻ, yêu đời
- Thái độ sống lạc quan, tích cực
- Nhiệt huyết, năng động trong học tập và công việc
- Hăng hái tham gia những hoạt động tập thể
- Hoàn thành công việc tốt
- Công việc luôn suôn sẻ, thăng tiến tốt, đạt nhiều thành công.
Bệnh trầm cảm cười nguy hiểm thế nào?
Chứng trầm cảm cười được đánh giá là có mức độ nghiêm trọng hơn chứng trầm cảm thông thường bởi người bệnh có xu hướng che giấu cảm xúc đằng sau sự vui vẻ, những người xung quanh rất khó nhận biết và cho lời khuyên kịp thời.
Trầm cảm cười ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sinh hoạt và tinh thần của một người, có thể khiến họ:
- Mất ngủ kéo dài, thường xuyên gặp ác mộng
- Cơ thể mệt mỏi và suy nhược
- Năng suất học tập và làm việc bị suy giảm nghiêm trọng
- Các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp cao có thể trở nên trầm trọng hơn
- Nghĩ về cái chết, có ý định tự tử, có khi còn gây hại đến người xung quanh
Những người bị trầm cảm đều có nguy cơ tự tử, nhưng những người bị trầm cảm cười có nguy cơ cao hơn nhiều. Chính vì họ luôn thể hiện sự vui vẻ lạc quan nên bệnh tình không được phát hiện kịp thời và điều trị sớm, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng. Nhiều người bị trầm cảm cười đã tự kết thúc cuộc đời mình vì không nhận được sự quan tâm cần thiết.
Mắc bệnh trầm cảm cười có chữa được không?
Giống như cách điều trị rối loạn trầm cảm khác; cách điều trị và chữa trầm cảm cười có thể bao gồm sử dụng thuốc, tâm lý trị liệu; kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh.
Để phòng bệnh, cần có một lối sống lành mạnh để củng cố sức mạnh tinh thần: ăn uống lành mạnh; tập thể dục đều đặn; đảm bảo ngủ đủ giấc; v.v. Cơ thể khỏe mạnh thì tâm trí mới lành mạnh và được cân bằng.
PV (T/h)