Quần thể di tích cố đô Huế và khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng cho một đất nước tươi đẹp, đa dạng về phong cảnh thiên nhiên, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc, có bề dày lịch sử thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Quần thể di tích Cố Đô Huế- di sản văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam
Được triều Nguyễn chủ trương xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ XIX, quần thể di tích Cố đô Huế là một trong những di sản văn hóa ở Việt Nam thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước viếng thăm. Đây cũng là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 1993.
Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí số 4, đã hội đủ các yếu tố:
+ Tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật độc đáo, những kiệt tác do bàn tay con người tạo dựng.
+ Có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật kiến trúc trong một kế hoạch phát triển đô thị + hay một chương trình làm đẹp cảnh quan tại một khu vực văn hoá của thế giới;
+ Một quần thể kiến trúc tiêu biểu của một thời kỳ lịch sử quan trọng.
+ Kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại, những tư tưởng hay tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn, hay với các danh nhân lịch sử.
Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương. Từ 1802 đến 1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn với 253 công trình trong khu Đại Nội, 7 cụm lăng tẩm, Hổ Quyền, đàn Nam Giao, điện Hòn Chén.
Nổi bật trong quần thể di tích cố đô Huế là ba tòa thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành được bố trí đăng đối xuyên suốt trên một trục Nam - Bắc. Hệ thống thành quách, cung điện ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa kiến trúc phương Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh…
Giải mã tính cách của các vị vua Nguyễn qua lăng tẩm
Mỗi lăng vua Nguyễn đều phản ánh cuộc đời và tính cách của vị chủ nhân đang yên nghỉ:
+ Lăng Gia Long: mộc mạc nhưng hoành tráng giữa núi rừng trùng điệp khiến người xem cảm nhận được hùng khí của một chiến tướng từng trải trăm trận.
+ Lăng Minh Mạng: uy nghi bình chỉnh đăng đối giữa rừng núi hồ ao được tôn tạo khéo léo, hẳn có thể thấy được hùng tâm đại chí của một chính trị gia có tài và tính cách trang nghiêm của một nhà thơ quy củ.
+ Lăng Tự Ðức: thơ mộng trữ tình được tạo nên chủ yếu bằng sự tinh tế của con người, phong cảnh nơi đây gợi cho du khách hình ảnh của một tao nhân mang nặng nỗi niềm trắc ẩn bởi tâm huyết của một nhà vua không thực hiện được qua tính cách yếu ớt của một nhà thơ.
+ Lăng Thiệu Trị: thâm nghiêm, vừa thâm trầm u uẩn giữ chốn đồng không quạnh quẽ, cũng thể hiện phần nào tâm sự của một nhà thơ siêu việt trên văn đàn song không nối được chí tiền nhân trong chính sự.
Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Cùng với quần thể di tích Cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long cũng là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Khu Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam vào tháng 7 năm 2010. Với 3 tiêu chí nổi bật là:
+ Minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở vùng châu thổ sông Hồng qua các thời kỳ lịch sử.
+ Minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia.
+ Có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quốc gia trong mối quan hệ với khu vực và thế giới. Tại lễ khai mạc đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào ngày 1/10/2010, bà Irina Bokova - tổng giám đốc UNESCO đã trao bằng công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới cho lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Giá trị nổi bật và độc đáo của khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long
Di tích văn hóa thế giới này có tổng diện tích hơn 18.000ha, bao gồm: khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, điện Kính Thiên, nhà D67, Hậu Lâu, Bắc Môn, tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn.
Qua hàng ngàn năm lịch sử, Hoàng thành Thăng Long đã có nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Các di tích đó có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp nhưng phong phú và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô Thăng Long.
PV (T/h)