Trước nay, Côn Đảo luôn được khách du lịch biết đến là một nơi có hệ thống nhà tù dày đặc và khủng khiếp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trải qua bao năm tháng, trại giam tàn bạo ấy nay đã trở thành một thiên đường thu hút đông đải du khách tới tham quan.
Theo bà Phạm Thị Tám, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo, 47 năm đã đi qua, từ ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng, Côn Đảo thoát khỏi chốn “Địa ngục trần gian”, cuộc đấu tranh khốc liệt năm xưa trên mảnh đất Côn Đảo chỉ còn là những ký ức, những câu chuyện kể.
Nhưng cho dù 47 năm, hay dài hơn nữa, những ký ức hào hùng của Côn Đảo vẫn trường tồn cùng năm tháng, những tấm gương kiên trung, sự hy sinh cao cả của bao thế hệ cha anh trên mảnh đất thiêng liêng này sẽ mãi mãi là ngọn đuốc sáng, soi đường đi tới đỉnh vinh quang của dân tộc.
Qua 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo (1862 – 1975), nhiều người Việt Nam yêu nước thuộc nhiều thế hệ bị thực dân, đế quốc giam cầm, đọa đày và hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo. Nhưng tất cả đã không khuất phục được khí phách kiên trung của những người con yêu nước, những chiến sĩ cách mạng đã biến “Hòn đảo địa ngục” trở thành “Bản anh hùng ca” giữ nước của dân tộc, là bài học sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ.
Bây giờ, Côn Đảo trở thành điểm du lịch nổi tiếng, không những ở Việt Nam mà cả thế giới, được tạp chí du lịch hàng đầu thế giới bình chọn là một trong “10 hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh”.
Huyện Côn đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa đại dương, cách Vũng Tàu 185km, cách TP.HCM 230km, cách cửa sông Hậu (Cần Thơ) khoảng 83km. Diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 76km2, trong đó hòn đảo lớn nhất có diện tích 51,52km2 gọi là Côn Lôn, hay Côn Đảo.
Huyện Côn Đảo có tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, bờ biển dài 200km, có nhiều bãi tắm đẹp tuyệt vời như bãi Đất Dốc, Bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, bãi Hòn Cau, bãi Hòn Tre... Thêm vào đó là vườn Quốc gia Côn Đảo diện tích gần 6.000ha trên đất liền và 14.000ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm.
Môi trường sống ở Côn Đảo rất trong lành, nhiệt độ bình quân khoảng 26 – 27 độ C mát mẻ quanh năm. Tất cả những điều kể trên là tiềm năng du lịch của Côn Đảo với các loại hình phong phú như: Du lịch tắm biển nghỉ ngơi, du lịch tham quan di tích lịch sử, du lịch sinh thái (lặn, câu cá, leo núi, tham quan rừng biển, sinh vật biển...).
Vào mùa hè, lượng khách du lịch đến Côn Đảo tăng mạnh. Theo đó, trong khoảng 2.500 lượt khách mỗi ngày đến đảo thì hơn nửa trong số đó đều đến tham quan nhà tù Côn Đảo. Địa điểm được nhiều người tham quan nhất trong di tích quốc gia đặc biệt này là khu “chuồng Cọp”, “chuồng Bò” thể hiện sự dã man, tàn độc của chế độ thực dân Pháp với chiến sĩ cách mạng nước ta.
Được xây dựng năm 1940, “chuồng Cọp” kiểu Pháp nằm bên trong trại giam Phú Tường có tổng diện tích gần 5.500 m² gồm 60 phòng tắm nắng không có mái che và 120 phòng giam biệt lập, nhờ cấu trúc “nhà tù trong nhà tù” mà “chuồng cọp” kiểu Pháp được giấu kín trong suốt 30 năm. Tù nhân bị giam trong chuồng cọp phải chịu tra tấn dã man.
Khác với “chuồng Cọp” kiểu Pháp, “chuồng Cọp” kiểu Mỹ được xây dựng năm 1971 do các chuyên gia Mỹ thiết kế chủ yếu tra tấn tù nhân về tinh thần. Với diện tích 25.768 m² chia thành 4 khu, mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy là 48 phòng giam biệt lập. Bên trên có song sắt như “chuồng Cọp” kiểu Pháp, nhưng không có hành lang mà thay bằng mái tôn thấp; trong phòng giam không có bệ, tù nhân phải nằm dưới nền nhà.
Hiện nay, dù lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Côn Đảo ngày càng nhiều, nhưng nơi đây vẫn lưu giữ một không gian yên bình vốn có, thoát khỏi những ồn ào của đô thị, hòa vào thiên nhiên và lắng đọng với lịch sử.
PV (T/h)