Ít ai biết ở thời kỳ Ai Cập cổ đại, người lùn lại được tôn trọng, họ luôn có cuộc sống cao sang, thậm chí là những nhân vật có quyền lực trong xã hội lúc bấy giờ.
Địa vị cao
Hệ thống chữ tượng hình phức tạp của người Ai Cập được vẽ và chạm khắc trên các công trình kiến trúc, nghệ thuật và thủ công đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu hiện đại những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây.
Tượng gia đình Seneb, người lùn có địa vị cao ở Ai Cập cổ.
Người ta tìm thấy trên một số phiến đá vỡ và các văn bản cổ nhiều hình ảnh mô tả những người bị mắc chứng achondroplasia - tình trạng rối loạn phát triển xương gây còi cọc không cân đối.
Theo Giáo sư Chahira Kozma trong bài báo “Những chú lùn ở Ai Cập cổ đại” in năm 2006, Ai Cập có nhiều nguồn thông tin chính về chứng achondroplasia trong thế giới cổ, với các di tích của người lùn, bao gồm những bộ xương hoàn chỉnh hoặc từng phần.
Có một hình thái văn học Ai Cập cổ đại, được gọi là “văn học thông thái”, xuất hiện trong thời kỳ Trung Vương quốc và trở thành quy chuẩn trong thời kỳ Tân Vương quốc. Các bài viết về trí tuệ thời đó gồm những lời dạy về đạo đức, bên cạnh đó cũng nhấn mạnh không được coi còi cọc là một khuyết tật về thể chất.
Còn theo nhà sử học Betty Adelson, những người lùn ở Ai Cập cổ đại có “mối quan hệ mật thiết” trong xã hội, do đó ai sở hữu họ được xem là người có địa vị cao.
Trong các nền văn hóa châu Âu thời Trung cổ, người lùn thường được đứng bên cạnh các vị vua và hoàng hậu trong các buổi lễ hoặc trước công chúng, bởi vì họ sẽ làm cho các hoàng gia trông to lớn hơn thực tế. Trong khi đó, ở Ai Cập cổ đại, người lùn thường làm nghề kim hoàn, hầu cận, chăm sóc động vật và giải trí.
Theo luận văn xuất bản năm 1972, Khoa Chỉnh hình và các bệnh chỉnh hình ở Ai Cập cổ đại và hiện đại, những người lùn được miêu tả trên các bức tường của “ít nhất 50 ngôi mộ thuộc Vương quốc cổ (2700 - 2190 trước Công nguyên - TCN) gần những kim tự tháp tại các nghĩa địa rộng lớn của Saqqara và cao nguyên Giza”.
Một số người lùn ở Vương quốc cổ có địa vị cao trong xã hội, chẳng hạn như Seneb, Pereniankh, Khnumhotpe và Djeder, được chôn cất trong những ngôi mộ kiên cố và trang trọng.
Trong bốn người Ai Cập cổ đại nhỏ bé ở trên, Seneb đã phục vụ trong triều đại thứ tư của các pharaoh Khufu (khoảng 2575 - 2465 TCN) và Djeder (2649 TCN đến khoảng 2611 TCN).
Từ năm 1925 - 1926, các nhà khảo cổ đã khai quật ngôi mộ mastaba (ngôi nhà vĩnh hằng) của người lùn có tên Seneb. Mộ có hình chóp cụt, được xây bằng loại gạch bùn lấy từ sông Nile.
Trong một căn phòng bên của lăng mộ mastaba này, các nhà khảo cổ học đã khai quật một bức tượng mô tả người lùn và gia đình của ông ta, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.
Những phát hiện mới
Người ta cho rằng, Seneb có lẽ là một người lùn mắc chứng achondroplastic. Ông ta được miêu tả trong một bức tượng với làn da đỏ như son, mũi, miệng rõ rệt, tóc ngắn và đôi mắt to.
Theo một số nhà nghiên cứu, các đặc điểm khuôn mặt “khoan hòa” của ông khi so sánh với những người lùn, qua mô tả của người Ai Cập, cho thấy Seneb có thể bị chứng hypochondroplasia (loạn sản xương), một dạng nhẹ hơn của bệnh achondroplasia. Tuy nhiên, thi thể của ông chưa từng được phát hiện nên không thể đưa ra chẩn đoán chính xác.
Vợ và con của Seneb có kích thước trung bình, các bé trai và bé gái được đặt bên dưới ông ta, một chi tiết không phải ngẫu nhiên. Trong cuốn sách “Kho báu Ai Cập - từ Bảo tàng Ai Cập ở Cairo” in năm 1999, nhà Ai Cập học Francesco Tiradritti cho biết, nhà điêu khắc Ai Cập cổ đại đã rất “khéo léo và nhạy bén” trong việc tạo ra sự cân bằng và đối xứng bằng cách đặt hai đứa trẻ ở vị trí chân của Seneb.
Năm mươi chú lùn trong nghệ thuật tạo hình thuộc Vương quốc Cổ đại được tìm thấy tại Giza và Saqqara là những người bình thường, làm những công việc như sản xuất đồ trang sức, chăm sóc động vật hoặc thú cưng, nghệ sĩ giải trí, vũ công và hầu cận.
Trong một số ngôi mộ thuộc Vương quốc Cổ, các phụ nữ lùn được miêu tả như những nữ hộ sinh và y tá. Và tại Saqqara, ngôi mộ của người lùn Mereruka, một thượng thư của vua Teti đã mô tả sống động cuộc sống của những nghệ nhân lùn cổ đại.
Tóm lại, có thể nói một cách chắc chắn rằng, cuộc sống của những người lùn ở Ai Cập cổ đại đặc biệt thoải mái, so với cách những người nhỏ bé bị đối xử trong các nền văn hóa cổ đại khác.
Theo một bài báo nghiên cứu năm 2017 trên tờ Pacific Standard, ở Hy Lạp cổ đại, những người lùn được sử dụng trong các nghi lễ sùng bái Dionysian như “những người đàn ông hói, nhỏ bé với dương vật ngoại cỡ, thu hút những phụ nữ có kích thước trung bình”.
Ở La Mã cổ đại, những người lùn bị bắt làm nô lệ và chủ nhân cố tình làm họ suy dinh dưỡng (bỏ đói) để bán được giá cao hơn, và sự tàn ác tương tự cũng xảy ra với những người lùn ở Tây Phi và Trung Quốc.
Nhà sử học Martin Monestier mô tả Hoàng đế Đường Huyền Tông (712 - 756 Công Nguyên) của Trung Quốc đã xây dựng một “nơi nghỉ ngơi dành cho quái vật”. Trong ngục thất này, hoàng đế đã giam hãm những người phục vụ triều đình, người lùn hầu cận, những anh hề và những người làm trò giải trí.
PV (T/h)