Được mệnh danh là thị trấn yên tĩnh nhất nước Mỹ, Green Bank có những điều luật khá kỳ lạ về việc cấm sử dụng thiết bị điện tử.
Các khách du lịch đi tiến vào địa phận gần thị trấn Green Bank, phía Tây bang Virginia, đã bắt đầu được nhắc nhở về việc không được sử dụng điện thoại và thiết bị không dây có khả năng phát ra các loại sóng. Khi tiến hẳn vào thị trấn, việc sử dụng các thiết bị nói trên còn khiến cho người sử dụng đối mặt với việc bị truy tố theo luật.
Green Bank là một thị trấn kỳ lạ như vậy. Nhưng trái ngược với suy nghĩ về một thị trấn lạc hậu, nơi đây lại chính là nơi tọa lạc của những thiết bị khoa học tối tân nhất.
Nơi quan sát các tín hiệu từ vũ trụ
Green Bank tiền thân là Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia, được thành lập vào năm 1956. Nhà vật lý thiên văn Frank Drake đã sớm sử dụng kính thiên văn tại đây để tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất. Đây là lần đầu tiên có người sử dụng thiết bị hiện đại để tìm kiếm sự sống bên ngoài vũ trụ.
Chỉ hai năm sau, Ủy ban truyền thông liên bang quyết định biến khu này trở thành "vùng câm lặng". Khu vực này sở dĩ được chọn vì dân số thưa thớt ở Hạt Pocahontas và vì những ngọn núi bao quanh giúp che chắn nó khỏi các luồng sóng bên ngoài.
Do địa điểm lý tưởng nên trong thị trấn về sau đã mọc lên nhiều đài quan sát vô tuyến khác để quan sát vũ trụ. Các nhà khoa học còn sử dụng Green Bank làm nơi phóng thử nghiệm các vệ tinh lên không gian, phục vụ cho nghiên cứu. Tất nhiên, họ để sóng từ các thiết bị điện tử cá nhân làm gián đoạn và gây nhiễu loạn tín hiệu của mình.
Bất kỳ loại sóng nào có khả năng gây ảnh hưởng tới hiệu suất của các thiết bị khoa học đều bị ngăn chặn. Điều đó đồng nghĩa với việc không có sóng radio, TV, Wifi, di động hay bluetooh. Thậm chí cả lò vi sóng cũng được khuyến cáo không nên sử dụng trong thị trấn.
Chiếc xe tải đặc biệt
Kính thiên văn Robert C. Byrd Green Bank Telescope là biểu tượng của thị trấn Green Bank. Nó nặng 17 triệu pound và trải dài khoảng 2 mẫu Anh. Một số kính thiên văn nhỏ hơn được đặt xung quanh trong một khu vực rộng lớn.
Kính thiên văn khổng lồ này có thể nghe thấy âm thanh từ hàng trăm triệu dặm và thu hút sự quan tâm của một số nhà nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Chính tại khu vực tọa lạc các kính thiên văn quan trọng này, công việc rà soát sóng gây nhiễu cũng gắt gao nhất.
Luôn có một chiếc xe bán tải Dodge Ram màu trắng với các ăng-ten đa hướng khổng lồ được gắn vào mái, ghế hành khách của nó đã được thay thế bằng một máy thu, hệ thống Doppler và máy phân tích quang phổ.
Chiếc xe này đi tuần khắp khu vực thị trấn và có khả năng "lắng nghe" bất cứ thứ gì gây gián đoạn âm thanh từ không gian bên ngoài. Khi xe tải hoạt động, máy phân tích quang phổ cảm nhận được một dòng năng lượng liên tục phun ra giúp lần tìm các nguồn gây nhiễu tần số vô tuyến, đến từ nhiều thứ: điện thoại di động, lò vi sóng, thiết bị không dây hoặc đường dây phóng điện hồ quang.
Bản thân các cảnh sát thực thi nhiệm vụ còn được trang bị một thiết bị kỳ lạ giống ăng-ten được gọi là gậy yagi. Khi đến một vị trí khả nghi, họ khua yagi như vung đũa phép và phát hiện ra được nguyên nhân của nguồn gây nhiễu.
Trong vòng một dặm tính từ kính thiên văn, xe cộ chỉ được chạy bằng động cơ diesel vì động cơ bugi có thể phát ra sóng gây lấn át âm thanh nhận được từ các thiên hà. Trong khi đó, công nhân tại đây giao tiếp với nhau bằng máy bộ đàm trên các tần số cụ thể.
Có khoảng 25 đến 30 ngôi nhà trong khuôn viên đài quan sát cho nhân viên. Bất kỳ ai sống ở đó đều ký tên từ bỏ không sử dụng lò vi sóng hoặc các thiết bị không dây. Những người bị phát hiện vi phạm cam kết sẽ đối mặt với việc bị truy tố pháp luật.
Ngoài những cư dân không tuân thủ quy tắc, các tia vệ tinh chiếu xuống và máy bay sử dụng radar cũng có thể gây ra sự cố nhiễu sóng.
Người dân tại Green Bank nghĩ gì?
Người dân tại thị trấn Green Bank có một cuộc sống giản dị. Khi được hỏi về sự bất tiện của việc không có sóng Wifi và TV, nhiều cư dân thị trấn thể hiện sự ngạc nhiên với phần còn lại của nước Mỹ khi biết rằng ở đó mọi người ai ai cũng gắn liền với chiếc điện thoại.
Cư dân thị trấn vẫn có một kênh radio riêng biệt và một đường dây điện thoại cố định. Họ cũng có Internet, với dịch vụ quay số hoặc cáp Ethernet. Một số ít thú nhận thỉnh thoảng có dùng trộm Wifi nhưng không nhiều do mọi người xung quanh đều tỏ rõ thái độ khó chịu.
Từ những năm 2000, nhiều người yêu thích lối sống đặc biệt tại Green Bank đã tìm cách để chuyển tới sinh sống tại đây. Vài người trong số họ còn từng làm việc tại các trung tâm công nghệ thuộc thung lũng silicon. Những người tưởng chừng như gắn liền với các thiết bị điện tử giờ đây lại chọn lựa một lối sống hoàn toàn trái ngược.
Khác xa với việc phàn nàn về hoàn cảnh, cư dân Green Bank còn lo sợ bí mật của họ sẽ bị lộ ra ngoài khiến nhiều người hơn nữa sẽ đổ về đây, gây ảnh hưởng tới sự yên bình.
t/h