Bắt đầu từ năm 2000, việc thuê khách mời để lấp đầy chỗ ngồi trong đám cưới đã bắt đầu xuất hiện.
Nghề ăn cưới thuê
“Bạn trông thật đẹp! Chiếc váy của bạn trông đẹp hơn rất nhiều so với những bức hình mà bạn đã cho tôi xem. Các cô gái khác đang trên đường đến”, tôi nói với cô dâu rạng rỡ khi bước vào phòng chờ của nhà thờ tổ chức đám cưới phủ đầy hoa.
Cô ấy mỉm cười, cảm ơn tôi vì đã ở đó và ôm tôi một cách tự nhiên đến bất ngờ vì đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
Với 15.000 won (12,60 USD) trong một giờ rưỡi, tôi đã được thuê làm bạn của cô dâu trong ngày trọng đại của cô ấy.
Đây là lần đầu tiên Choi Jae-hee, phóng viên của The Korea Herald, đã thử nhận công việc đóng giả bạn của cô dâu trong đám cưới.
Choi đã đọc được thông báo tuyển dụng ngắn gọn trên Kakaotalk (một ứng dụng mạng xã hội được sử dụng rất phổ biến tại Hàn Quốc): “Hong Min-jung, 30 tuổi, làm tại công ty A, tỉnh B. Đám cưới tổ chức lúc 12h30 ngày 27/11 ở Gangnam. Tìm tối đa 10 người bạn. Nếu bạn quan tâm, vui lòng gọi cho chúng tôi”.
Công việc cơ bản của Choi sẽ là: Chụp ảnh với cô dâu trong phòng chờ trước hôn lễ, phải tham gia chụp ảnh nhóm sau buổi lễ, không được phép nói chuyện với các thành viên gia đình cô dâu, không được quên hoặc nhầm lẫn tên của cô dâu…
Khoảng 30 phút trước buổi lễ, tại một quán cà phê gần nơi tổ chức đám cưới, Choi gặp 9 “khách mời” khác của cô dâu.
“Chúng tôi được hướng dẫn bởi một người phụ nữ. Người này thuộc đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê bạn bè, người thân trong các dịp kỷ niệm”, Choi kể.
Người phụ nữ này nói: “Hãy chia thành ba nhóm, mỗi nhóm sẽ đóng những vai khác nhau như đồng nghiệp tại nơi làm việc, bạn cũ ở trường đại học và bạn thời trung học”.
Vì tôi bằng tuổi cô dâu nên Choi được xếp vào nhóm bạn thời trung học, cùng với hai vị khách giả khác ở độ tuổi 20.
Thuê khách để giữ thể diện
Một trong những lý do chính khiến các cô dâu, chú rể phải chi tiền thuê khách mời là vì họ muốn mình trở nên nổi tiếng, nhiều bạn bè, có quan hệ rộng trong mắt người khác.
Tại Hàn Quốc, dịch vụ cho thuê khách dự đám cưới xuất hiện từ đầu những năm 2000. Có hàng trăm đơn vị tổ chức đám cưới và diễn đàn Internet cung cấp cho cô dâu và chú rể những người bạn giả như thế này. Một số thậm chí còn cho thuê cả cha mẹ giả hoặc họ hàng xa nếu khách hàng yêu cầu.
Lee Mi-young, đại diện một công ty tổ chức đám cưới rằng lý do chính mà mọi người tìm kiếm khách giả là vì họ có quá ít bạn bè, thiếu các mối quan hệ cá nhân.
“Mọi người không muốn trông như thể họ không có mối quan hệ thân thiết với bạn bè. Ngoài ra, cô dâu, chú rể tìm kiếm khách giả để cân bằng số lượng khách của hai bên gia đình. Vì số lượng khách thể hiện quyền lực, địa vị của gia đình nên không ai muốn yếu thế so với người kia”, Lee cho biết.
Dù lương không cao, công việc ăn cưới thuê vẫn hấp dẫn các ứng viên bởi các lễ cưới thường diễn ra vào cuối tuần và cung cấp bữa ăn ngon miễn phí. Mức lương tối thiểu theo giờ cho mỗi vai diễn là 8.720 won
Một người chuyên đi ăn cưới thuê cho biết cô kiếm được tổng cộng 60.000 won trong tháng 11 bằng cách tham dự 4 đám cưới.
Cô tiết lộ thêm nếu được để bắt bó hoa cưới của cô dâu, khách mời giả sẽ kiếm được thêm 3.000 won.
Dịch vụ cho thuê khách mời nói riêng và toàn bộ ngành công nghiệp cưới xin đã chịu tác động không hề nhỏ bởi đại dịch kéo dài. Tuy nhiên, mọi thứ đang được cải thiện sau khi chính phủ Hàn Quốc nới lỏng các quy tắc trong chiến dịch sống chung với COVID-19 từ ngày 1/11/2021.
PV (T/h)