Việc cho hộp xốp cùng đồ ăn vào lò vi sóng, hâm nóng thức ăn thừa nhiều lần là các sai lầm phổ biến cần tránh.
1. Dùng sai hộp đựng thức ăn
Có một số chất liệu mà bạn không nên dùng đựng đồ ăn khi hâm nóng, bao gồm túi nhựa, túi giấy và hộp xốp. Túi giấy có thể bắt lửa trong lò vi sóng và thải ra khí độc ở nhiệt độ cao. Túi nhựa cũng có thể tan chảy ở nhiệt độ cao và giải phóng hợp chất bisphenol A (BPA). Một bài báo được Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ xuất bản, lưu ý rằng việc tiếp xúc quá nhiều với BPA có thể gây rối loạn nội tiết, các vấn đề về khả năng sinh sản và quá trình phát triển thời thơ ấu.
Hâm nóng hộp xốp trong lò vi sóng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người. Một số loại hộp xốp có chứa styrene. Theo Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ, việc tiếp xúc nhiều lần với styrene có thể dẫn đến sự hình thành một số bệnh ung thư, đau đầu, mệt mỏi và tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Bạn nên tránh những rủi ro này bằng cách đặt thức ăn trên đĩa sứ hoặc sử dụng hộp đựng có đánh dấu an toàn với lò vi sóng. Những dấu hiệu này thường có thể được tìm thấy ở đáy hộp chứa hoặc phần bao bì đóng gói bên ngoài.
2. Không khuấy thức ăn khi hâm nóng
Lò vi sóng không làm nóng thức ăn ở mọi điểm như nhau. Vì vậy, nếu bạn quên khuấy, đảo thức ăn giữa quá trình hâm nóng có thể dẫn đến thức ăn bị nguội, mầm bệnh vẫn ẩn nấp trong đồ ăn. Để tránh điều này, bạn nên khuấy đồ ăn, lật thực phẩm để đảm bảo cả hai mặt nóng, chín đều như ức gà, sườn heo.
3. Hâm nóng thức ăn thừa nhiều lần
Điều này có thể gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe con người. Khi bạn liên tục thay đổi nhiệt độ của thực phẩm từ lạnh sang nóng và ngược lại, có thể khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Một số loại thực phẩm, chẳng hạn cơm, rất nguy hiểm khi hâm nóng lại nhiều lần. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, các bào tử Bacillus cereus có thể vẫn còn trên cơm sau khi nấu chín.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lưu ý rằng chất lượng thực phẩm cũng giảm đi sau mỗi lần hâm nóng, vì vậy tốt nhất là bạn chỉ nên lấy ra lượng thực phẩm vừa đủ ăn và cho phần còn lại vào tủ lạnh.
4. Hâm nóng thức ăn quá đát
Theo USDA, thức ăn thừa sẽ tồn tại trong tủ lạnh khoảng ba đến bốn ngày trước khi cần vứt bỏ. Nếu nấu đồ nhưng không định ăn cho đến bốn ngày sau, bạn nên cố gắng đông lạnh món ăn đó. USDA lưu ý đây là lựa chọn bảo quản an toàn nhất và có thể kéo dài tuổi thọ thực phẩm của bạn vô thời hạn. Nhưng để món ăn có chất lượng tốt nhất, bạn nên ăn chúng trong vòng vài tháng.
Bên cạnh thời gian, có những dấu hiệu khác cho thấy thức ăn đã bị hỏng và không nên hâm nóng lại như đốm ẩm, nhớt và mùi hôi.
5. Để thức ăn thừa ra ngoài quá lâu sau khi hâm nóng
Điều này làm tăng nguy cơ thực phẩm tiếp xúc mầm bệnh. Nhiệt độ phòng, ngoài trời là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Ngoài ra, vi khuẩn có thể xâm nhập vào thực phẩm sau khi hâm nóng. Do đó, bạn nên giữ tất cả thức ăn thừa không định ăn trong hộp đựng ở tủ lạnh.
Nếu chưa thể ăn ngay, hãy để thức ăn trong chảo nóng khi vừa nấu xong hoặc bật lò nướng để giữ ấm.
5. Không hâm nóng ở nhiệt độ thích hợp
Nếu bạn chưa hâm thức ăn đủ nóng, nó vẫn ẩn chứa nhiều mầm bệnh. Nhiệt độ tiêu chuẩn hâm nóng tất cả thực phẩm là 165 độ F (74 độ C) theo USDA . Nước xốt, nước thịt và súp nên được hâm nóng đến sôi lăn tăn.
6. Không đậy nắp
Bạn phải luôn đậy thức ăn trong lò vi sóng để giữ nhiệt và độ ẩm của thức ăn. Điều này có thể giúp nấu chín đồ, đồng thời tránh món ăn quá chín. Hơn nữa, môi trường nhiều hơi nước giúp tiêu diệt vi khuẩn hoặc mầm bệnh còn sót lại trong thực phẩm.
Bạn có thể dùng màng bọc thực phẩm, nắp thủy tinh để đậy thức ăn. Tránh sử dụng giấy nhôm và các sản phẩm giấy có chứa nylon hoặc sợi nylon trong lò vi sóng, vì cả hai sản phẩm này đều có thể bốc cháy.
PV (T/h)