Một giấc ngủ trưa có thể giúp bạn tái tạo năng lượng, thế nhưng nếu ngủ trưa không đúng cách lại khiến bạn có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh nghiêm trọng.
Tác hại của việc ngủ ngay sau khi ăn
Không chỉ tích tụ mỡ, việc đi ngủ ngay sau khi ăn còn có nhiều tác hại. Khi đó, cơ thể buộc phải làm việc nhiều để tiêu hóa thức ăn xuống dạ dày nên dễ gây ra vấn đề về tiêu hóa. Khi nằm, a xít không chảy xuống được, sẽ trào ngược qua dạ dày đến thực quản và các bộ phận nhạy cảm của hệ tiêu hóa. Điều này có thể dẫn đến chứng ợ nóng, cảm giác đau rát ở ngực hoặc cổ họng.
Hơn nữa, đi ngủ ngay sau bữa ăn thì hệ tiêu hóa phải làm việc cật lực hơn nên làm ảnh hưởng đến huyết áp, lượng cholesterol và lượng đường trong máu khiến bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
Cụ thể, kết quả của một nghiên cứu được trình bày tại Đại hội Hiệp hội Tim mạch châu Âu năm 2011 cho thấy, so với những người đi ngủ trong vòng một giờ sau bữa tối, những người đợi từ 60 - 70 phút ít bị đột quỵ hơn 66%. Những người đợi từ 70 - 120 phút, có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn 76%. Sau 2 giờ, ít có sự khác biệt.
Ăn trưa xong bao lâu mới nên đi ngủ?
Cần phải chờ đến khi tất cả thức ăn trong dạ dày di chuyển xuống ruột non rồi hãy đi ngủ. Theo các nhà dinh dưỡng, thời gian này cũng khá lâu, khoảng 3 giờ, và ít nhất là 2 giờ, thậm chí chỉ cần chờ 1 giờ đã có thể giảm nguy cơ đột quỵ.
Tuy nhiên thực tế giờ nghỉ trưa cho những người đi làm thường rất ngắn. Mọi người phải tận dụng tối đa thời gian sau bữa ăn trưa để chợp mắt.
Vì vậy, hãy cố gắng đi ngủ sớm nhất 15-30 phút sau bữa ăn trưa. Ngoài ra, có thể chú ý những điều sau để giúp việc tiêu hóa thức ăn được dễ dàng hơn:
- Sau khi ăn xong có thể đi lại nhẹ nhàng thay vì ngồi một chỗ để thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn
- Khi ăn nên nhai thật kỹ để việc tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
- Cố gắng tránh ăn nhiều thực phẩm khó tiêu, thực phẩm chiên xào nhiều chất béo vì những thực phẩm này cần nhiều thời gian hơn mới tiêu hóa hết được.
pv (t/h)