Bên cạnh một số tác dụng quen thuộc như súc miệng, nhỏ mắt…, nước muối sinh lý còn có thêm công dụng rất tốt khi sử dụng để rửa mặt, trị mụn.. Tuy nhiên, cần áp dụng đúng cách để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của da mặt cũng như gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Nước muối sinh lý hay còn gọi là dung dịch muối Natri Clorid 0,9% - một loại dung dịch có áp suất thẩm thấu tương đương với dịch của cơ thể. Vì vậy, nước muối sinh lý được nhiều người lựa chọn sử dụng trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là tác dụng hữu ích để vệ sinh răng miệng, làm sạch mắt v.v…
Tuy nhiên, ít người biết rằng, bên cạnh những lợi ích trên, nước muối sinh lý cũng mang đến hiệu quả cao khi rửa mặt.
Việc sử dụng nước muối sinh lý hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị mụn trứng cá. Ở điều kiện bình thường, nếu da mặt tiết lượng lớn dầu thừa từ các tuyến bã dưới da hoạt động quá mức sẽ làm bít tắc lỗ chân lông. Khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, bụi bẩn phát triển trong da và hình thành nhân mịn, khiến mụn trứng cá phát triển mạnh.
Nhờ vào đặc tính khử khuẩn và sát trùng vết thương ưu việt, nước muối sinh lý hoàn toàn có thể xem như một loại “thần dược” để trị mụn khá tiện dụng. Sử dụng nước muối sinh lý rửa mặt có thể làm sạch nhẹ lớp tế bào chết trên da mặt, làm mềm lỗ chân lông bị tắt nghẽn. Nhờ đó dễ dàng hơn trong việc loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn ra khỏi da. Bởi lẽ, mụn cũng là một dạng “vết thương hở” cần phải được rửa sạch và loại bỏ bụi bẩn giúp da mau lành. Bên cạnh đó, nước muối sinh lý cũng sẽ giúp giảm tránh được tình trạng viêm nhiễm và đẩy lùi nguy cơ bị sẹo thâm do mụn gây ra.
Thời tiết đang bước vào giai đoạn hanh khô, vì vậy, da rất cần được cung cấp độ ẩm. Kể cả khi có thoa toner nhưng cũng rất cũng khó để có thể thẩm thấu sâu bên trong mà chỉ đọng lại trên phần bề mặt da rồi nhanh chóng bốc hơi.
Nước muối sinh lý còn đóng vai trò như toner giúp cân bằng độ ẩm tự nhiên cho da. Trong trường hợp này, khi rửa mặt với dung dịch NaCl 0,9% không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn, các cặn trang điểm trên da mặt mà còn duy trì độ ẩm tự nhiên cho da. Khi da được bổ sung lượng nước cần thiết sẽ hạn chế tuyến bã nhờn dưới da hoạt động quá mức tiết ra chất nhờn, nhờ đó loại bỏ được nguyên nhân gây mụn trứng cá. Theo các chuyên gia chăm sóc sắc đẹp, nước muối sinh lý dễ dàng thẩm thấu bên trong, giúp da giữa được độ ẩm và trở nên căng mịn, thoáng mát, hạn chế tiết ra dầu
Người ta thường dùng toner để lau sạch bụi bẩn, dầu nhờn và makeup trên mặt, giúp cân bằng độ pH và kiểm soát mụn. Nhưng nếu bạn đang dùng thuốc trị mụn hoặc vừa lột da bằng hóa chất (chemical peel) thì việc sử dụng toner có thể gây kích ứng làn da nhạy cảm.
Toner dù sao cũng là một loại hóa chất, bạn hoàn toàn có thể thay thể nó bằng nước muối sinh lý để vệ sinh da mặt khi đang điều trị mụn.
Lưu ý khi rửa mặt bằng nước muối sinh lý
Để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn trong quá trình sử dụng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng nước muối có nồng độ 0.9% bởi ở nồng độ cao hơn có thể gây khô da. Để đảm bảo, bạn tránh tự ý pha nước muối rửa mặt.
- Việc sử dụng nước muối rửa mặt có thể khiến da dễ bắt nắng. Do đó, bạn cần thoa kem chống nắng mỗi ngày và che chắn cẩn thận khi hoạt động, di chuyển ngoài trời.
- Nếu dưỡng da, mỗi tuần chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý rửa mặt từ 1 – 2 lần. Việc lạm dụng có thể gây khô da, mất cân bằng độ ẩm tự nhiên của da.
- Đối với người có làn da nhờn, mụn nên dùng nước muối sinh lý mỗi ngày để làm sạch dầu thừa trên da. Ngược lại da khô không nên dùng nước muối sinh lý để rửa mặt vì điều này khiến tình trạng da bị khô trở nên nghiêm trọng hơn.
- Không nên dùng nước muối sinh lý thay thế cho sữa mặt nước, toner. Với khả năng sát khuẩn cao có thể làm mất nhẹ các tế bào chết làm da nhanh lão hoá, nước muối sinh lý chỉ có khả năng cân bằng độ ẩm nhưng không thể cân bằng độ pH cho da. Do đó, bạn vẫn cần sử dụng sữa rửa mặt và nước hoa hồng.
PV (T/h)