Các bác sĩ đã kết luận, nếu bạn mua sắm online quá mức có thể đó là biểu hiện của bệnh lý tâm thần. Cần được điều trị kịp thời để bệnh đỡ nặng hơn.
Quẹt thẻ mua sắm không phanh
Chị Đ là nhân viên kế toán, chồng làm trong lĩnh vực xây dựng tổng thu nhập của 2 vợ chồng ở mức khá, đủ để chăm lo cho 2 con ăn học và dư giả một chút để mua sắm cho bản thân.
Tuy nhiên, chị Đ lại có thói quen mua sắm quá đà. Có thời gian rảnh là chị lên mạng xem livestream mua hàng, ở đâu có chương trình giảm giá là ở đó có mặt chị. Có những chiếc áo chị Đ mua về nhưng chưa từng mặc một lần nào đã mang đi cho người khác.
Thấy vợ tiêu tiền phung phí, chồng chị có góp ý nhưng chị Đ quay sang giận dỗi, nói chồng bủn xỉn.
Sau lần đó, mối quan hệ của hai vợ chồng ngày càng rạn nứt. Dù muốn tiết kiệm nhưng chị Đ vẫn lao đầu vào mua sắm không có điểm dừng. Tới khi khoản nợ trong thẻ nhân lên tới hàng trăm triệu, chị Đ không trả nổi, cộng thêm mâu thuẫn của vợ chồng khiến chị Đ rơi vào tâm trạng trầm uất và định tự tử.
Quá lo sợ cho vợ, chồng chị Đ đã đưa chị đi khám, kết quả cho thấy chị bị rối loạn lo lắng, trầm cảm và có hành vi "nghiện" mua sắm.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Hải Yến, Viện sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, các trường hợp bệnh nhân nữ phải đến khám do rối loạn mua sắm thường không quản lý được chi tiêu, tiêu dùng vượt mức có trong thẻ tín dụng, nợ nần quá nhiều nhưng vẫn lặp đi lặp lại hành vi mua sắm.
Thường các bệnh nhân "nghiện" mua sắm sẽ xuất hiện những rối loạn sức khoẻ tâm thần kèm theo như lo âu, trầm cảm. Chính những rối loạn này tạo ra những động lực thôi thúc bệnh nhân phải mua sắm. Và chỉ khi bệnh nhân mua sắm được một sản phẩm nào đó mới có được cảm giác thoài mãn, giải toả căng thẳng.
Theo bác sĩ Yến, đối với các trường hợp có hành vi "nghiện" mua sắm nếu đi kèm với các rối loạn tâm thần như: trầm cảm, lo âu… sẽ được điều trị các rối loạn tâm thần trước. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tư vấn để điều chỉnh hành vi "nghiện" mua sắm.
Điều trị cho bệnh nhân "nghiện" mua sắm cần lưu ý:
- Bệnh nhân sẽ được giáo dục hành vi mua sắm, phỏng vấn tạo động lực để giải quyết nợ nần chi tiêu quá hạn mức.
- Cần có người thân xung quanh để hỗ trợ hạn chế hành vi mua sắm.
Bác sĩ Yến cho hay, bệnh nhân sẽ cần phải thay đổi hành vi tiêu dùng khi mua sắm. Ví dụ, khi muốn mua 1 sản phẩm gì trên mạng sẽ cho sản phẩm đó vào giỏ 7 ngày sau mới quyết định mua sản phẩm nếu thấy thật sự cần thiết. Hoặc khi mua một món đồ mới cần phải loại bỏ một món đồ cũ đi để thấy được món đồ đó có cần mua hay không.
Ngoài ra, còn có liệu pháp trị liệu nhóm nhằm tạo môi trường có nhiều người bệnh cùng nhau vượt qua hành vi rối loạn mua sắm.
Hành vi "nghiện" mua sắm sẽ khiến cho không ít chị em gặp khó khăn kinh tế. Lúc rơi vào tình trạng kiệt quệ về kinh tế, một số ít người có thể tự nhận thức được và thoát khỏi những rối loạn tâm thần, ngược lại, một số trường hợp sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm, suy nhược, rối loạn giấc ngủ, hoảng sợ,...
Theo các chuyên gia, khi chị em nhận thấy bản thân ngày nào cũng phải mua một món đồ gì đó, nhưng mua xong lại không dùng thì cần phải cảnh giác với chứng rối loạn mua sắm. Khi chứng rối loạn mua sắm ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt, gia đình, chị em phụ nữ nên tới chuyên khoa sức khoẻ tâm thần để khám và được tư vấn hướng điều trị, tránh trường hợp để lại những rối loạn tâm thần nặng khiến việc điều trị khó khăn.
PV (T/h)