Ngô có thể sử dụng để ăn sáng nhưng nên chế biến đa dạng, phong phú hơn là duy trì chỉ ăn ngô luộc như nhiều người thường sử dụng.
TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, ngô trước đây là loại lương thực phổ biến ở Việt Nam, nó chỉ đứng thứ 2 sau lúa gạo. Thực tế, khi kinh tế còn khó khăn ngô được dùng khá nhiều trong bữa ăn gia đình với rất nhiều cách chế biến như ngô luộc, ngô bung, xôi ngô hay nghiền thành bột làm bánh hoặc một số nơi còn có món mèn mén làm từ ngô.
Dù ngô vẫn được xếp vào nhóm lương thực, nhưng ngày nay khi kinh tế phát triển, ngô không sử dụng thay gạo trong bữa ăn hàng ngày như trước, thay vào đó nhiều người lại dùng ngô giống như một loại thực phẩm. Cụ thể, trong canh hầm hay ăn lẩu, nhiều gia đình vẫn cho ngô vào để nước ngọt hơn, nhiều chất hơn. Hay ngô có thể dùng để xào thịt hoặc nấu súp… “Thực tế, các giống ngô hiện nay cũng được phát triển nhiều loại khác nhau và tùy vào mục đích sử dụng mọi người có thể lựa chọn loại phù hợp nhất”, TS Từ Ngữ chia sẻ.
Trong cuộc sống, có không ít người dùng ngô để làm bữa sáng, cụ thể và thông dụng nhất đó là ngô luộc, TS Từ Ngữ cho biết điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được, nhưng tuyệt đối không nên tạo thành thói quen ngày này sang tháng khác.
TS Từ Ngữ lấy số liệu từ trong bảng thành phần thực phẩm Việt Nam cho thấy, trong 100 gam ngô ăn được có 196 Kcal; 4,1g protein; 2,3g lipit; 39,6g glucid; 1,7g đường... và nhiều loại vitamin và khoáng chất khác. Nếu so sánh với 100 gam gạo tẻ xát máy thì lượng calo của ngô ít hơn (gạo tẻ là 344Kcal/100gam), lượng gluxit của ngô cũng ít hơn so với loại gạo thường dùng. Tuy nhiên, hàm lượng chất béo và đường có trong ngô lại nhiều hơn.
“Chính vì lượng calo nạp vào của ngô ít hơn so với gạo nên mọi người thường ăn ngô buổi sáng nhằm mục đích giảm cân. Nhưng cần chú ý một điều rằng những người ăn ngô luộc thường sẽ không kết hợp với các thực phẩm khác như rau, thịt, cá, trứng… trong bữa sáng. Ngược lại, khi ăn cơm được nấu từ gạo trắng sẽ phải ăn kèm các nhóm thực phẩm khác.
Do vậy, nếu nhận định cả về mặt khoa học và thực hành dinh dưỡng thì việc ăn sáng bằng cơm trắng, kèm thức ăn sẽ tốt hơn là ăn sáng chỉ với một bắp ngô. Tuy nhiên, vì sở thích chúng ta hoàn toàn có thể đổi bữa, thi thoảng dùng ngô để ăn sáng vẫn tốt, vì trong ngô vẫn có hàm lượng đường, chất béo, protein nhất định, dù không nhiều”, TS Từ Ngữ chia sẻ.
Ông Ngữ cũng khuyên mọi người không nên mặc định chỉ ăn ngô luộc trong buổi sáng, chúng ta có thể chế biến thành nhiều món ăn khác từ ngô cũng rất hợp lý và bổ dưỡng. Lấy ví dụ cụ thể, TS Từ Ngữ hướng dẫn mọi người có thể nấu súp ngô, thịt gà, củ quả vừa tốt cho tiêu hóa, lại đủ các nhóm chất. Hoặc có thể nấu canh thịt băm, ngô non, củ quả hay canh sườn non-ngô và củ quả ăn buổi sáng. Như vậy, chúng ta không cần phải dùng cơm mà vẫn có nhóm đường bột, đặc biệt lại có thêm nhiều nhóm chất thiết yếu khác.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết ăn ngô buổi sáng có thể chấp nhận được nhưng tốt nhất mọi người nên tự chọn mua về luộc hoặc chế biến thành các món ăn tùy thích, hơn là mua hàng quán.
“Trước đây đã có nhiều vụ cảnh báo việc luộc ngô bằng pin hay cho thêm đường vào để ngô ngọt hơn, điều này hoàn toàn có thể xảy ra và gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, ngô bán ế hôm trước có thể tiểu thương hấp lại rồi bán vào ngày hôm sau, trong khi đây là thực phẩm dễ ôi thiu. Vì thế mọi người cần đặc biệt lưu ý, nhất là ăn vào buổi sáng”, PGS Thịnh cảnh báo.
PV (T/h)