Trong điều trị đột quỵ, việc nhận biết sớm và sơ cứu y tế giúp hạn chế nhiều hậu quả đáng tiếc.
1. Có những loại đột quỵ nào?
Đột quỵ chỉ tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do giảm máu cung cấp, khiến tế bào não bị thiếu hụt oxy, dinh dưỡng. Khi không được cấp máu trong vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần với số lượng ngày càng lớn. Tùy vào thời gian xử lý đột quỵ mà tế bào não tổn thương có thể phục hồi một phần hoặc chết hoàn toàn.
Đột quỵ là một trong những biến chứng tim mạch thường gặp nhất, cướp đi mạng sống của nhiều bệnh nhân mỗi năm. Những người được cấp cứu sớm, giữ được tính mạng thì nguy cơ di chứng cao, có thể liệt, giảm vận động hoặc giảm cử động ở một số cơ quan nhất định.
Theo nguyên nhân, có 2 loại đột quỵ chính gồm:
Đột quỵ do thiếu máu não
Đây là dạng đột quỵ phổ biến nhất, nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là tình trạng tắc nghẽn động mạch, có thể do cục máu đông hoặc tắc hẹp mạch máu. Đột quỵ do thiếu máu não chiếm khoảng 85% các trường hợp đột quỵ, là dạng dễ phòng tránh nếu kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ.
Đột quỵ do thiếu máu não thường gặp ở người béo phì, người rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch,…
Đột quỵ chảy máu não
Trái ngược với đột quỵ do thiếu máu não, đột quỵ do chảy máu não có nguyên nhân là do rách thành động mạch, dẫn đến máu chảy vào nhu mô não hoặc não thất, khoang dưới nhện xung quanh não - chảy máu màng não.
2. Nhận biết đột quỵ sớm qua các dấu hiệu điển hình
Khi đột quỵ xảy ra, cứ mỗi phút lại có hàng triệu tế bào não chết do thiếu oxy và dinh dưỡng cung cấp từ máu. Can thiệp y tế càng sớm để nối thông tuần hoàn máu não giúp hạn chế tối đa tế bào não chết, tăng khả năng hồi phục. Vì thế, nhận biết đột quỵ sớm rất quan trọng, các dấu hiệu bao gồm:
2.1. Dấu hiệu thị lực
Đột quỵ thường ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh, gây hiện tượng nhìn mờ một hoặc cả hai bên mắt, giảm thị lực,… Song dấu hiệu thị lực này không rõ ràng, chỉ có bản thân người bệnh cảm thấy song cùng với dấu hiệu đột quỵ khác, rất khó để bệnh nhân tự gọi cấp cứu hay tìm đến sự giúp đỡ.
2.2. Dấu hiệu ở mặt
Dấu hiệu ở mặt là một trong những dấu hiệu sớm và đặc trưng nhất của đột quỵ, quan sát mặt người bệnh thấy có biểu hiện thiếu cân xứng, nhân trung hơi lệch sang một bên, méo miệng, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống,… Đặc biệt khi bệnh nhân cười hoặc nói sẽ thấy rõ miệng và mặt thiếu cân xứng, đây là hậu quả tổn thương não do đột quỵ gây ra.
2.3. Dấu hiệu ở giọng nói
Ở người bệnh đột quỵ, triệu chứng ở giọng nói có thể xuất hiện như: nói ngọng bất thường, khó nói, miệng mở khó, môi lưỡi bị tê cứng,… khiến người bệnh rất khó khăn để phát âm.
Nếu nghi ngờ bản thân gặp phải tình trạng này, hãy tự kiểm tra bằng cách lặp đi lặp lại một cụm từ, nếu nói líu, dùng từ sai hoặc không thể phát âm, khả năng cao đây là dấu hiệu sớm của đột quỵ.
2.4. Dấu hiệu yếu tay hoặc chân
Tình trạng yếu tay hoặc chân do đột quỵ thường xảy ra ở một bên cơ thể, cảm giác yếu và tê bì đột quột rất rõ ràng. Nếu đột quỵ gây tổn thương vùng não phải, tay chân bên trái cơ thể sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại.
Có thể tự kiểm tra khả năng cử động tay chân của người bệnh bằng các động tác đơn giản như nhấc tay, nhấc chân, cử động đơn giản,… Hãy dang hai cánh tay rộng ra trong 10 giây, nếu không thể kiểm soát 1 bên cánh tay khiến nó rơi xuống thì khả năng cao đây là tình trạng yếu cơ - dấu hiệu của đột quỵ.
2.5. Dấu hiệu nhận thức
Tế bào não bị tổn thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, dấu hiệu nhận biết như: rối loạn trí nhớ, ù tai, không nhận thức được,…
2.6. Dấu hiệu thần kinh
Đau nhức đầu dữ dội là triệu chứng rõ ràng nhất, xuất hiện sớm nhất của chứng đột quỵ. Cơn đau có thể khiến người bệnh không thể đứng vững, buồn nôn, nôn mửa,…
Bên cạnh những dấu hiệu nhận biết đột quỵ sớm thường gặp này, bệnh nhân đột quỵ có thể gặp một số vấn đề khác tùy theo vùng não bị tổn thương như: tự nhiên thấy chóng mặt, yếu một bên cơ mặt, đau đầu nặng, tim đập nhanh, khó thở,…
3. Phòng ngừa đột quỵ như thế nào?
Phòng ngừa đột quỵ là cần thiết bởi biến chứng này xảy ra sẽ gây di chứng rất nặng nề cho sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Nhất là các đối tượng nguy cơ cao như: người trên 50 tuổi, người béo phì, mắc bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch,… nên chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng các biện pháp sau:
Kiểm soát cholesterol trong máu.
Ổn định đường huyết.
Ổn định huyết áp.
Bỏ rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích mạnh.
Thường xuyên thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, hạn chế muối, dầu mỡ và cholesterol từ động vật.
Kiểm soát cân nặng ổn định trong mức tiêu chuẩn.
Nhận biết sớm đột quỵ giúp bệnh nhân được phát hiện, cấp cứu sớm trong khoảng thời gian vàng - nghĩa là 3 giờ đầu tiên khi đột quỵ. Lúc này, khả năng phục hồi vùng não bị đột quỵ rất cao, giảm nguy cơ để lại di chứng nặng.
PV (T/h)