Bối cảnh trong phim về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những địa điểm du lịch nổi tiếng và tuyệt đẹp ở Huế và Đà Lạt...
.
Nhà thờ Phủ Cam xuất hiện phía xa xa trong phân đoạn Trịnh Công Sơn tìm kiếm bóng dáng nàng thơ Bích Diễm dưới mưa. Xuất hiện trong vài giây nhưng hình ảnh nhà thờ quen thuộc đủ khiến những người yêu mến xứ Huế nhận ra ngay.
Nhà thờ Phủ Cam (tên đầy đủ là Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam) tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh. Khoảng thế kỷ 17, Phủ Cam nằm ven bờ sông đào An Cựu là nơi ở dành cho con trai của các chúa Nguyễn. Đến thời Nguyễn, đây vẫn là nơi được nhiều hoàng thân triều Nguyễn lựa chọn để xây dựng phủ đệ.
Lịch sử hình thành nhà thờ này bắt đầu từ những năm 1682, dưới thời các chúa Nguyễn với xuất phát điểm là ngôi nhà nguyện tranh tre do linh mục Langlois dựng nên. Nhà thờ trải qua nhiều lần xây dựng, thay đổi về kiến trúc. Diện mạo hiện tại được tu sửa dựa trên công trình do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Đây là địa điểm quen thuộc với khách du lịch trong và ngoài nước khi đến xứ Huế. Ảnh: iamkoo5.
Cũng là những phân đoạn tái hiện sự si mê của cố nhạc sĩ họ Trịnh với nàng thơ Bích Diễm, cảnh Trịnh Công Sơn ngắm nhìn người trong mộng được quay tại chính căn nhà cũ của ông ở xứ Huế. Ngày nay, căn nhà là quán cà phê Gác Trịnh, nằm yên bình trên con phố Nguyễn Trường Tộ.
Cà phê Gác Trịnh được hình thành từ năm 2013, là điểm hẹn của những người yêu mến cố nhạc sĩ tài hoa. Quán cà phê trước đây là căn gác nhỏ, từng là nơi ở của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vào những năm 1960-1970. Tại đây ông đã sáng tác những bản nhạc đầu tiên. Nơi đây còn lưu giữ những kỷ vật của ông, tranh ảnh lưu niệm bạn bè, do gia đình ông tặng lại. Trong đó có những kỷ vật quý như ảnh của danh ca Khánh Ly gửi tặng, hay thư tình Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh. Ảnh: quynguyenhuu, dieugram.
Trong phim, căn nhà của hai chị em Bích Diễm và Dao Ánh xuất hiện nhiều lần. Căn nhà được lấy bối cảnh tại nhà vườn An Hiên, một điểm đến quen thuộc với du khách ghé thăm xứ Huế.
Nhà vườn nằm ở bờ bắc sông Hương, phía tây kinh thành, thuộc vùng đất Kim Long, nơi xưa kia là thủ phủ của các chúa Nguyễn, cách không xa chùa Thiên Mụ. Nơi đây mang kiến trúc nhà vườn xứ Huế. Công trình rộng tới gần 5.000 m2, quay hướng chính về phía sông Hương. Chủ thể là một ngôi nhà rường nằm ở trung tâm khu vườn, rộng 135 m2. Ảnh: dipranhroi, depihoang.
Một địa điểm nổi tiếng xứ Huế khác xuất hiện trong cảnh phim Trịnh Công Sơn và Dao Ánh gặp gỡ là trước cửa Hiển Nhơn.
Hiện tại, lối vào cửa Hiển Nhơn không mở cửa cho khách du lịch. Du khách có thể chiêm ngưỡng công trình kiến trúc từ bên ngoài hoặc ghé thăm vào những dịp lễ hội. Ảnh: henrik.scholz.
Hình ảnh cầu Trường Tiền quen thuộc xuất hiện trong những đoạn phim lãng mạn tái hiện mối tình của Dao Ánh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trước "Em và Trịnh", cây cầu lịch sử này cũng là bối cảnh của nhiều bộ phim Việt. Cây cầu này từng trải qua 4 lần đổi tên. Ban đầu, cầu có tên gọi là cầu Thành Thái. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, cầu mang tên Thủ tướng Pháp Clemoncean. Năm 1945, cầu có tên gọi Nguyễn Hoàng. Sau đó, người dân luôn gọi đây là cầu Trường Tiền. Cây cầu gắn bó với người dân xứ Huế hơn 120 năm. Ảnh: quhg_.
Không chỉ có Huế, Đà Lạt cũng xuất hiện trong những thước phim lãng mạn về cố nhạc sĩ họ Trịnh. Quán cà phê Tùng nổi tiếng thành phố sương là nơi bắt đầu mối lương duyên của danh ca Khánh Ly và Trịnh Công Sơn.
Hơn nửa thế kỷ, quán cà phê này vẫn gắn bó với người dân Đà Lạt và là chốn dừng chân của nhiều khách du lịch. Quán không thay đổi nhiều so với ngày xưa. Bộ bàn ghế cũ, tường ốp gỗ bạc màu, khung cửa kính... vẫn lặng lẽ nơi góc quán nhỏ. Ảnh: 08.xo, son.chans.
Đà Lạt cũng xuất hiện trong những phân cảnh giữa Trịnh Công Sơn và Michiko. Con dốc số 7 trên đường Trần Hưng Đạo làm nổi bật đoạn khiêu vũ lãng mạn của cố nhạc sĩ và cô nghiên cứu sinh người Nhật. Đoạn phim này khiến nhiều người liên tưởng đến những phân cảnh trong phim "La la land".
Con dốc số 7 quen thuộc với những tín đồ du lịch Đà Lạt. Địa điểm này từng xuất hiện trong nhiều MV ca nhạc nổi tiếng khác. Con dốc ngoài đời hiện lên yên bình, chân dốc là một tiệm may nhỏ của người dân địa phương, cũng là điểm check-in được nhiều du khách tìm đến.
PV (T/h)