Bộ Công thương đã ra thông báo, thủy điện Hòa Bình chỉ có thể duy trì phát điện được 1 tuần nữa.
Theo thông tin ông Hòa đưa ra, miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Hiện nay, về nguồn thuỷ điện, tính đến ngày 6/6/2023, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng 2 hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. “Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6” - ông Hòa nói.
Như vậy, tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Do đó, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Về nguồn nhiệt điện, theo ông Hòa, mặc dù nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được cấp tương đối đảm bảo nhưng cập nhật đến ngày 6/6/2023, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934MW, tương đương 76,6% công suất lắp.
Nói về khả năng truyền tải điện, ông Hòa cho biết, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung hiện luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500-2.700 MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500-2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (qua cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.
“Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh)” - ông Hòa khẳng định.
t/h