Các nhà khoa học đã có nghiên cứu, 1 chiếc vỏ gối có thể chứa 3 triệu vi khuẩn chỉ sau một tuần, cao gấp khoảng 17.000 lần so với một chiếc bồn cầu.
Bạn thường thay vỏ gối bao lâu một lần? Có người cho rằng 1 tháng thay 1 lần là đủ, có người lại lười biếng đợi vài tháng mới thay một lần, thậm chí có người kinh khủng hơn còn cả năm mới thay hoặc bao giờ hỏng mới thay.
Tuy nhiên một nghiên cứu ở Mỹ đã phát hiện ra điều đáng sợ khi chúng ta không thay giặt vỏ gối định kỳ có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe như viêm màng não.
Vỏ gối không thay trong 7 ngày chứa vi khuẩn gấp 17.000 lần bồn cầu
Môt công ty chăn ga gối đệm của Mỹ gần đây đã công bố một nghiên cứu thu thập các mẫu vỏ gối chưa giặt và quan sát sự thay đổi của vi khuẩn trong vỏ gối dưới kính hiển vi.
Vỏ gối sau 1 tuần không thay giặt có thể chứa lượng vi khuẩn nhiều hơn bồn cầu gấp 17.000 lần. (Ảnh minh họa)
Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu vỏ gối chưa giặt của 3 đối tượng sau mỗi tuần và phát hiện ra rằng trên mỗi 1 inch vuông (xấp xỉ 6,5cm2) trên vỏ gối chưa giặt có từ 3 triệu đến 5 triệu vi khuẩn, trong đó bao gồm cầu khuẩn gram dương và trực khuẩn.
Trực khuẩn có khả năng gây viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng mắt, nhiễm trùng huyết, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm trùng cơ xương và viêm phổi. Trong khi đó, cầu khuẩn gram dương có thể gây ra hội chứng sốc nhiễm độc và nhiễm trùng kháng kháng sinh.
Không thay vỏ gối, cẩn thận viêm phổi và nhiễm trùng toàn thân
Tiến sĩ Hadley King , bác sĩ da liễu tại Đại học Y khoa Weill thuộc Đại học Cornell, Mỹ, giải thích rằng vỏ gối có thể bị ô nhiễm bởi 50 triệu tế bào chết. Ngoài ra, những thứ khác như kem dưỡng da, đồ trang điểm, tóc, mồ hôi và bất cứ thứ gì khác trên người chúng ta đều có thể nhiễm bẩn sang ga gối, ga giường.
Tất cả những thứ kể trên đều là thức ăn của mạt bụi nên sẽ thu hút chúng tìm đến. Sau đó, chúng sẽ thải chất thải lên ga gối của bạn kéo theo sự sinh sản của vi khuẩn và vi rút.
Đồng thời, nó có thể dẫn đến 10 vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm nhiễm trùng da, viêm mô tế bào, nhiễm trùng mắt, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng cơ xương.
Về vấn đề này, bác sĩ Hadley King khuyên bạn nên thay và giặt vỏ gối ít nhất hai lần một tuần, đồng thời tập thói quen vệ sinh ga giường thường xuyên, để ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của vi khuẩn và vi rút, đồng thời giảm nguy cơ nhiễm trùng da và gây hại cho sức khỏe của bạn.
4 cách giảm sinh sôi vi khuẩn trong chăn gối
Giáo sư Zhao Mingwei, một chuyên gia về độc học ở Đài Loan, từng chia sẻ rằng trung bình một chiếc gối có thể sinh sôi tới 16 loại nấm mốc và mạt bụi, nếu gối bẩn hoặc có đốm vàng thì có thể dễ gây dị ứng da và các vấn đề về mụn trứng cá. Ông cũng liệt kê 4 cách để giảm hiệu quả sự sinh sản của mạt bụi:
1. Tóc phải được sấy khô trước khi nằm lên gối
Những cô gái có mái tóc dài phải chú ý, nếu tóc không được sấy khô trước khi đi ngủ, hơi ẩm sẽ trực tiếp đọng lại trên gối, môi trường ẩm ướt và ấm áp là môi trường dễ sinh sôi vi khuẩn và vi rút nhất.
2. Nhớ chú ý vệ sinh khi gối xuất hiện ố vàng
Khi thấy ga gối bị ố vàng, bạn phải chú ý giặt sạch. Phương pháp làm sạch có thể được rửa sạch bằng nước, và làm sạch theo nhãn trên gối.
3. Mới ngủ dậy đừng ngay lập tức dọn giường
Bởi vì khi ngủ, cơ thể đổ mồ hôi, độ ẩm của giường sẽ có khả năng tăng cao. Nếu bạn dọn giường khi vừa thức dậy, hơi ẩm sẽ bao phủ trên giường, ngoài ra, nếu bạn không vệ sinh ga trải giường thường xuyên, mật độ bụi trên giường sẽ tăng lên.
4. Làm khô chăn thường xuyên
Ngoài việc làm sạch, nên lấy chăn, ga trải giường và gối phơi nắng ít nhất nửa giờ và thực hiện mỗi tuần một lần hoặc sấy khô bằng máy sấy để đạt được hiệu quả khử trùng ở nhiệt độ cao .
PV (T/h)