Các bà nội trợ sẽ bất ngờ trước những hiệu quả mà nước vo gạo mang lại nếu biết tận dụng đúng cách.
Theo một số nghiên cứu, nước vo gạo có chứa nhiều loại hợp chất có lợi như chất chống oxy hóa axit ferulic, hoạt chất allantoin, các loại vitamin B, C và E. Vì vậy, các bà nội trợ có thể tận dụng nước vo gạo trong một số việc sau.
Loại bỏ chất độc từ thuốc trừ sâu trong rau củ
Nước vo gạo có thể thay thế nước thông thường trong việc rửa sạch rau củ quả trước khi chế biến. Các bà nội trợ hãy cho rau củ quả vào chậu nước vo gạo pha kèm một thìa muối và ngâm khoảng 30 phút trước khi rửa sạch lại với nước từ 1 đến 2 lần.
Cách thức này có thể giúp loại bỏ độc chất từ thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng. Bên cạnh đó, nước vo gạo cũng có thể dùng để rửa thịt hoặc hải sản nhằm khử mùi tanh hôi trước khi chế biến món ăn.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Những người ở thế hệ 7X chắc đã từng nhiều lần uống nước cơm mà không biết rằng đây còn là một loại thuốc tự nhiên. Theo một nghiên cứu từ những năm 1980 được công bố trên tạp chí The Lancet, nước vo gạo đun sôi có tác dụng làm dịu chứng khó tiêu, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa khi mắc bệnh tiêu chảy cấp.
Làm sạch da
Theo kết quả nghiên cứu từ trường Đại học Yale (Mỹ), nước vo gạo có chứa thêm hợp chất Natri Lauryl Sulfate (SLS). Đây là chất mang đặc tính làm sạch bề mặt, giảm kích ứng da.
Ngoài ra, nhờ một số hợp chất dinh dưỡng, nước vo gạo cũng giúp cho làn da trở nên sáng mịn, mềm mại cũng như tăng cường lượng collagen, ngăn ngừa nếp nhăn trên da. Các bà nội trợ có thể dùng nước vo gạo để rửa mặt 2 lần/ ngày sẽ tăng hiệu quả chống lão hóa trên bề mặt da.
Khử độc trong măng
Măng là món ăn được nhiều gia đình ưa chuộng, tuy nhiên món ăn này lại được đánh giá có nhiều độc tố như cyanide. Nếu cơ thể con người hấp thụ quá nhiều chất cyanide sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
Vì vậy, sau khi luộc măng khoảng 2 - 3 lần, các bà nội trợ nên ngâm măng trong nước vo gạo từ 12 - 48 tiếng để khử chất độc cyanide. Lưu ý nên thay nước vo gạo thường xuyên trong quá trình ngâm măng nhằm tránh măng bị lên men sẽ không tốt cho sức khỏe của người dùng.
Tưới cây
Ngoài ra, một công dụng khác của nước vo gạo khiến các bà nội trợ đặc biệt ưa chuộng đó là sử dụng để tưới cây. Nước vo gạo có các chất nhằm kích thích quá trình mọc rễ, giúp cây bén đất nhanh và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nên ưu tiên sử dụng phần nước vo gạo đặc và chỉ tưới với lượng nước vừa đủ để tránh ngập úng, mang đến một "hiệu quả ngược" không như mong muốn.
Duy trì mái tóc khỏe đẹp
Tác dụng này của nước vo gạo từ lâu đã được coi là bí mật đằng sau mái tóc dài óng mượt của các cô gái Nhật Bản. Phụ nữ Nhật dưới thời Heian (thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên) thường xuyên gội đầu bằng nước vo gạo để duy trì mái tóc khỏe mạnh, óng mượt.
Là chất tẩy rửa tự nhiên
Người Trung Quốc đã dùng nước vo gạo như một chất tẩy rửa tự nhiên và không tốn tiền trong nhiều thế kỷ. Đó là nhờ vào tính mài mòn và axit nhẹ của cặn tinh bột có trong nước vo gạo giúp loại bỏ các vết bẩn và cặn khoáng.
Nước vo gạo có thể sử dụng để lau chùi thiết bị nhà bếp, vết bẩn trong nhà tắm và thậm chí cả bồn cầu.
Relife