Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 182.600 người mới mắc bệnh ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, số bệnh ung thư ngày càng tăng và xu hướng ngày càng trẻ hóa. Ung thư đang là gánh nặng ở thời điểm hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi, nhất là trong chẩn đoán có nhiều trang thiết bị phát hiện sớm; có nhiều hóa chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch tăng cơ hội chữa khỏi cho những người có đột biến gen, có yếu tố miễn dịch ở giai đoạn muộn.
“Với người bệnh ung thư cần điều trị đa mô thức trong đó phẫu thuật là phương pháp mang tính triệt căn lớn nhất. Với hơn 200 bệnh ung thư khác nhau thì 60% có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu chẩn đoán sớm”, PGS. Bình cho biết.
Đến nay, hầu hết các kĩ thuật mới trên thế giới đã được các bác sĩ Việt Nam thực hiện thuần thục. Bệnh viện K đang hoàn thiện và tiến tới phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật nội soi 2D, 3D, phẫu thuật robot. Phẫu thuật robot được xem là “tinh hoa” trong phẫu thuật ung thư không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Với phẫu thuật này, giảm tình trạng mất máu cho bệnh nhân, giúp phẫu thuật viên phân tích tinh tế hơn, nạo vét hạch tốt hơn. Ngoài ra, phẫu thuật trong ung thư còn hướng tới phẫu thuật thẩm mĩ, chỉnh hình mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Tại nước ta, riêng ung thư phổi chiếm khoảng 1/4 trong tổng số ca mắc ung thư hằng năm đối với nam giới.
Đối với xạ trị, có nhiều kĩ thuật xạ trị thế hệ mới tiêu diệt tế bào ung thư, bảo tồn tối đa tế bào lành.
Đối với phương pháp điều trị hóa chất, kỉ nguyên mới mở ra trong lĩnh vực điều trị ung thư, đó là thế hệ thuốc nhắm đích, điều trị miễn dịch có nhiều hứa hẹn cho lĩnh vực ung thư. Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K còn được chăm sóc về dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Cần xây dựng mạng lưới phòng chống
“Hiện nay trang thiết bị, máy móc cho chẩn đoán và điều trị ung thư của Việt Nam sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, vướng mắc nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam là bệnh nhân quá đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng.
Mạng lưới phòng chống ung thư đã phát triển nhưng chênh lệch về trình độ giữa các tuyến. Bệnh nhân ung thư có tâm lí phải lên tuyến trên gây quá tải cho các bệnh viên trung ương”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, việc phòng ngừa ung thư và tăng cường phát hiện sớm được xem là “chìa khóa” trong chiến lược phòng chống ung thư. Để giải quyết vấn đề này, riêng Bệnh viện K không thể làm được mà cần xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ung thư, tầm quan trọng của sàng lọc và phát hiện sớm bệnh.
TS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng, ngày nay với phác đồ điều trị, những loại thuốc mới hiệu quả, ung thư không nên coi là căn bệnh chết chóc, mà chỉ là căn bệnh nan y cần chữa trị trong một thời gian dài.
“Người bệnh ung thư có thể lui bệnh, phục hồi, duy trì sức khoẻ ổn định một cách an toàn sau thời gian điều trị kéo dài, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào việc họ học các kĩ năng quản lí và hiểu không chỉ căn bệnh, mà cả cơ thể và tâm lí của bản thân mình. Điều này sẽ góp phần quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình điều trị”, TS. Bình nói thêm.
PV (T/h)