Trong đại dịch COVID-19, thực phẩm tốt có thể tăng cường khả năng phục hồi cho người mắc COVID-19. Ăn uống không hợp lý có thể dẫn cơ thể dễ nhiễm bệnh.
Đối với nhu cầu dinh dưỡng của người mắc COVID-19, cần bổ sung protein (chất đạm) để tăng cường sức khỏe. Lượng protein phù hợp trong chế độ ăn uống có thể giúp người mắc COVID-19 bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất trong cơ thể.
1. Vai trò của chất đạm đối với cơ thể
1.1 Cung cấp năng lượng cho cơ thể
Protein cấu thành nên enzyme, những enzyme này hoạt động như một chất xúc tác sinh học với nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho cơ thể.
1.2 Tái tạo mô và tế bào
Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể như móng tay, da, tóc. Protein giúp sửa chữa và xây dựng các mô của cơ thể, cho phép các phản ứng trao đổi chất diễn ra và điều phối các chức năng của cơ thể.
Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng.
1.3 Cải thiện sức khỏe cơ bắp
Protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các khối cơ trong cơ thể, chúng có mặt trong các mô cơ dưới dạng nhiều vi chất. Sự phát triển của cơ phụ thuộc vào sự đầy đủ của protein trong cơ thể.
1.4 Tăng cường hệ miễn dịch
Protein cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.
Để đảm bảo rằng chúng ta có đủ lượng protein trong chế độ ăn uống, chúng ta có thể ăn thực phẩm giàu protein lành mạnh hơn như cá, thịt gia cầm, thịt nạc, thực phẩm làm từ đậu nành và các sản phẩm từ sữa ít béo.
1.5 Cân bằng hormone
Enzyme là protein xúc tác có vai trò quan trọng trong tất cả các quá trình sinh hóa và phản ứng của cơ thể.
Ngoài ra, có các hormone khác như insulin, hormone tăng trưởng và glucagon cũng là một dạng protein đóng vai trò quan trọng trong các chức năng hoạt động của cơ thể.
1.6 Vận chuyển và lưu trữ các chất trong cơ thể
Protein có chức năng vận chuyển và lưu trữ các chất khác nhau trên màng tế bào. Điều quan trọng mà protein mang lại chính là sự lưu thông trơn tru của máu và nuôi dưỡng các tế bào.
1.7 Giúp người cao tuổi luôn khỏe mạnh
Một trong những hậu quả của quá trình lão hóa là cơ bắp dần yếu đi.
Các trường hợp nghiêm trọng nhất được gọi là chứng suy giảm vận động liên quan đến tuổi tác, là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng yếu, gãy xương và giảm chất lượng cuộc sống ở người cao tuổi.
Ăn nhiều protein hơn là một trong những cách tốt nhất để giảm suy thoái cơ liên quan đến tuổi tác và ngăn ngừa chứng suy nhược cơ.
2. Cơ thể cần bao nhiêu protein mỗi ngày?
Protein được tạo ra từ các axit amin có vai trò giúp xây dựng và phát triển các mô của cơ thể bao gồm cơ bắp, gân, mạch máu, da, tóc và móng.
Chất này cũng giúp tổng hợp và duy trì các enzyme và hormone. Đặc biệt, trong một vài nghiên cứu gần đây cho biết, protein có tác dụng hỗ trợ người giảm cân vì chúng sẽ tạo ra cảm giác no lâu khi nạp vào cơ thể.
Nếu không nạp đủ lượng protein từ chế độ ăn uống mỗi ngày thì sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khiến cho cơ thể mệt mỏi, giảm miễn dịch, tâm trạng không tốt…
Một người khỏe mạnh bình thường, không tăng cân và không thường xuyên tập thể dục, lượng protein lý tưởng là 0,8 - 1,3g/kg trọng lượng cơ thể, tương đương 56 - 91g/ngày cho nam giới và 46 - 75g/ngày cho nữ giới.
Lượng protein cho người mắc COVID-19 có thể cao hơn. Người trưởng thành nên bổ sung lượng protein theo tỷ lệ 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật.
Tuổi càng cao thì ăn lượng protein từ động vật vừa phải. Với trẻ nhỏ, đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
3. Người mắc COVID nên ăn nhiều protein hơn để tăng cường miễn dịch
Các nghiên cứu đã xác nhận rằng sự thiếu hụt protein có liên quan đến suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch, chủ yếu là do tác động tiêu cực của nó lên cả số lượng các globulin miễn dịch chức năng và mô bạch huyết liên quan đến ruột (GALT). Ăn ít protein sẽ khiến cơ thể dễ bị virus tấn công.
Bên cạnh đó, việc mắc các bệnh mạn tính khác, làm hạn chế việc tiêu thụ một lượng thức ăn nhất định cũng có thể khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng. Để tránh điều đó, cần cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho cơ thể trong thời gian mắc COVID-19.
Vì nó có liên quan trực tiếp đến khả năng miễn dịch, thiếu protein không chỉ có thể khiến một người dễ bị COVID-19 mà còn dẫn đến một số bệnh nhiễm virus khác.
Để giữ an toàn cho bản thân trước sự tấn công của virus, cần tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách bổ sung các thực phẩm giàu protein.
Relife