Cứ sau bữa ăn là buồn ngủ, có thể đó là dấu hiệu của bệnh lý, bạn cần đặc biệt cảnh giác.
1. Nguyên nhân gây buồn ngủ sau khi ăn
Có nhiều yếu tố khiến bạn cảm thấy buồn ngủ sau khi ăn, điều đó có thể do bạn ăn gì, ăn bao nhiêu, ăn khi nào và đôi khi cũng cảnh báo dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn.
1.1. Yếu tố trong thực phẩm
Theo BS. Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ, trong đó chế độ ăn uống cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp.
Có một số loại thực phẩm hoặc thành phần trong thực phẩm có thể gây khó ngủ, mất ngủ như các chất kích thích, đồ ăn nhiều chất béo, nhiều đường... nhưng cũng có loại có thể gây buồn ngủ và cải thiện giấc ngủ tốt như thực phẩm giàu vitamin nhóm B, magiê, tryptophan…
Theo nghiên cứu, có một số yếu tố trong thực phẩm có thể gây buồn ngủ. Tuy nhiên, thường thì số lượng nhỏ và ít ảnh hưởng đến khả năng tỉnh táo của một người. Một số thành phần trong thực phẩm được cho là chất gây buồn ngủ bao gồm:
Melatonin: Có một lượng rất nhỏ hormone gọi là melatonin trong một số loại thực phẩm như: anh đào, quả óc chó, chuối, yến mạch, cà chua… Mặc dù melatonin có vai trò thiết yếu trong thời gian đi vào giấc ngủ, nhưng hàm lượng thấp trong thực phẩm không có khả năng ảnh hưởng quá nhiều đến cơn buồn ngủ.
Tryptophan: Một số thực phẩm khác có thể khiến bạn cảm thấy hơi buồn ngủ là thực phẩm có chứa axit amin gọi là tryptophan. Cơ thể chuyển đổi tryptophan thành serotonin và sau đó thành melatonin. Điều này có thể làm tăng cảm giác buồn ngủ.
Tryptophan được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm giàu protein như phô mai, trứng, gà tây, đậu phụ...
Rượu: Mặc dù uống rượu có thể khiến bạn cảm thấy thư giãn và buồn ngủ, nhưng nó sẽ không giúp bạn có được giấc ngủ bình thường và lành mạnh.
Uống rượu có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh và hormone cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thời gian bắt đầu giấc ngủ đối với những người uống rượu thường ngắn hơn và một số người đi vào giấc ngủ sâu khá nhanh. Tuy nhiên, sau khi ngủ vài giờ, ảnh hưởng rượu sau đó gây ra một loạt các gián đoạn trong suốt nửa sau của đêm.
Carbohydrate: Các bữa ăn nhiều carbohydrate - mà cơ thể bạn chuyển đổi thành đường - có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên và sau đó giảm xuống. Lượng đường sụt giảm này cũng có thể khiến bạn buồn ngủ sau khi ăn.
1.2. Buồn ngủ sau bữa trưa
Buồn ngủ sau bữa trưa thường liên quan nhiều đến thời điểm tự nhiên của xu hướng buồn ngủ hơn là do thức ăn bạn tiêu thụ. Hầu hết mọi người cảm thấy buồn ngủ một cách tự nhiên trong khoảng thời gian từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều. Có hai hiện tượng gây ra tình trạng này bao gồm:
Xu hướng buồn ngủ: Xu hướng buồn ngủ là do sự tích tụ dần dần của một chất hóa học trong não gọi là adenosine. Hóa chất này đạt đến đỉnh điểm ngay trước khi đi ngủ, nhưng nó cũng cao hơn vào buổi chiều so với buổi sáng.
Nhịp sinh học: Quá trình thứ hai góp phần gián tiếp vào cơn buồn ngủ là nhịp sinh học. Nhịp sinh học hoạt động giống như một chiếc đồng hồ kiểm soát thời gian thức và ngủ. Nó tăng lên trong suốt cả ngày để giữ cho bạn tỉnh táo và chống lại mức adenosine ngày càng tăng.
Có một sự sụt giảm trong mô hình này vào đầu giờ chiều. Thời gian tạm lắng này thường xảy ra từ 7 - 9 giờ sau khi thức dậy. Khi tín hiệu cảnh báo giảm xuống, cơn buồn ngủ tiềm ẩn sẽ xuất hiện và bạn cảm thấy buồn ngủ.
2. Cách chống lại cơn buồn ngủ sau khi ăn
Buồn ngủ sau khi ăn là một điều bình thường. Tuy nhiên nhiều khi cơn buồn ngủ sau ăn có thể gây cản trở sinh hoạt và khả năng tập trung làm việc thì phải làm gì?
Mặc dù bạn không thể tránh hoàn toàn, nhưng có một số cách bạn có thể làm để chống lại cơn buồn ngủ xảy ra sau bữa ăn, đó là:
- Ăn các bữa ăn cân bằng. Cố gắng ăn các bữa ăn đều đặn và tránh ăn những khẩu phần quá lớn. Điều này có thể làm hệ thống tiêu hóa bị quá tải, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và uể oải.
- Tránh các bữa ăn nhiều carbohydrate có thể giúp bạn tránh tăng lượng đường trong máu và duy trì mức adenosine.
- Ngủ đủ giấc vào ban đêm. Nếu bạn bị thiếu ngủ, cơn buồn ngủ sau bữa trưa có thể rõ rệt hơn. Ngoài ra, chứng rối loạn giấc ngủ như ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
- Tiếp xúc với đủ ánh sáng ban ngày. Nhịp sinh học bị ảnh hưởng bởi ánh sáng mặt trời. Cơ thể chúng ta tỉnh táo hơn khi tiếp xúc với ánh sáng và kém tỉnh táo hơn khi trời tối.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp ngủ ngon nhưng cũng có thể giúp bạn tỉnh táo hơn. Hãy tập các động tác đơn giản, nhẹ nhàng, bạn sẽ cảm thấy khỏe khoắn và tỉnh táo hơn.
3. Lưu ý về tình trạng sức khỏe tiềm ẩn
Tiến sĩ Abhinav Singh, chuyên gia về giấc ngủ cho biết: Cảm thấy buồn ngủ sau bữa ăn có thể liên quan đến một số tình trạng sức khỏe có thể gây mệt mỏi sau khi ăn hoặc suốt cả ngày. Một số bệnh lý dưới đây thường gây mệt mỏi, buồn ngủ sau khi ăn:
Lượng đường trong máu không cân bằng có thể gây buồn ngủ: Bệnh đái tháo đường là một tình trạng được đánh dấu bằng lượng đường trong máu tăng cao, được gọi là tăng đường huyết. Lượng đường trong máu tăng lên sau bữa ăn, gây tăng đường huyết và mệt mỏi. Hạ đường huyết sau ăn gây ra bởi lượng đường trong máu thấp, có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm suy nhược và buồn ngủ.
Thiếu máu làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi: Thiếu máu là tình trạng các tế bào hồng cầu không mang đủ lượng oxy cần thiết đi khắp cơ thể. Những người bị thiếu máu thường cảm thấy mệt mỏi, có thể xảy ra vào những thời điểm khác nhau, kể cả sau bữa ăn.
Mệt mỏi là triệu chứng của suy giáp: Người có tuyến giáp hoạt động kém dễ bị mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến họ vào những thời điểm khác nhau trong ngày.
Huyết áp thấp làm giảm mức năng lượng: Hạ huyết áp sau ăn hoặc huyết áp thấp sau bữa ăn, ảnh hưởng đến những người có tình trạng sức khỏe nhất định và phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Mệt mỏi là một trong những triệu chứng tiềm ẩn của tình trạng tụt huyết áp này.
Một số loại thuốc có thể khiến bạn mệt mỏi: Buồn ngủ là tác dụng phụ của một số loại thuốc. Tùy thuộc vào thời điểm một người dùng thuốc, họ có thể cảm thấy buồn ngủ sau bữa ăn.
Khi nào bạn nên nói chuyện với bác sĩ về chứng buồn ngủ sau bữa ăn?
Buồn ngủ sau bữa ăn là phổ biến, nhưng có những trường hợp nó có thể liên quan đến một tình trạng nghiêm trọng hơn. Mọi người nên nói chuyện với bác sĩ nếu họ có dấu hiệu buồn ngủ quá mức hoặc có vấn đề, chẳng hạn như:
- Buồn ngủ sau bữa ăn cản trở công việc, trường học hoặc các nghĩa vụ xã hội
- Buồn ngủ xảy ra khi lái xe hoặc vận hành máy móc
- Mệt mỏi quá mức hoặc buồn ngủ vào nhiều thời điểm trong ngày
- Buồn ngủ sau ăn kèm theo các triệu chứng khác hoặc thay đổi sức khỏe
PV (T/h)