Một mối quan hệ lành mạnh sẽ là nền tảng có sự hạnh phúc, duy trì sức khỏe tâm sinh lý. Vậy dấu hiệu nào thể hiện điều đó?
Bất kể là tình yêu hay đời sống hôn nhân, ai cũng cần duy trì một mối quan hệ tích cực để cùng giúp nhau hoàn thiện và xây dựng hạnh phúc. Hãy xem thử bạn có 9 dấu hiệu sau đây hay không nhé?
Bạn dám nói lên ý kiến của mình mà không phải là thỏa hiệp trong sợ hãi
Mỗi người đều là một phiên bản duy nhất nên khó tránh có lúc bất đồng quan điểm. Nếu người ấy làm điều gì đó mà bạn không thích, hoặc họ khiến bạn cảm thấy tổn thương mà bạn có thể bày tỏ cảm nhận của mình, vậy thì chúc mừng!
Mối quan hệ lành mạnh dù là vợ chồng, người yêu hay thậm chí là bạn bè luôn cần sự thẳng thắn, chân thành và cởi mở với nhau. Bạn không thể chờ đợi đối phương “tự hiểu” nếu không dám nói lên mong muốn của bạn, hay bạn đã cảm thấy thế nào.
Bạn thấu hiểu những “ngôn ngữ yêu thương” của người ấy
Yêu thương và quan tâm không chỉ bằng lời nói, quan trọng hơn là những cử chỉ, hành động mà đôi bên có thể thấu hiểu lẫn nhau, dù không cần nói ra. Tình yêu tích cực chính là hai bạn biết cách bày tỏ phù hợp với cả hai.
Những cái ôm ấm áp, những món quà ý nghĩa, những hành động chăm sóc… đều là ngôn ngữ của tình yêu mà nếu không tinh tế, đôi khi bạn lại không nhận ra và vô tình phủ nhận tấm lòng của đối phương.
Hai bạn luôn thúc đẩy nhau hoàn thiện
Dù đang yêu đương nồng nhiệt nhưng nếu một mối quan hệ khiến bạn đi thụt lùi và đánh mất chính mình thì cần cân nhắc lại. Mỗi người đều có ước mơ hoài bão và những tính cách riêng. Nếu người ấy khuyến khích bạn thực hiện mục tiêu của mình thì đó là sự tôn trọng và yêu thương đúng nghĩa.
Bạn luôn cảm thấy thoải mái với cả những khiếm khuyết của mình
Khi trong một mối quan hệ, người ta thường tự tin với những điểm mạnh nhưng cũng rất lo lắng cách nhìn của đối phương về điểm yếu của mình. Nếu đối phương tạo cho bạn sự thoải mái và cảm giác an toàn, đủ để bạn dám phô bày khiếm khuyết và không tự ti vì nó thì hãy trân trọng người ấy.
Bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc dù bao lâu đi nữa
Cảm giác hào hứng, phấn khích ban đầu của một mối quan hệ sẽ dần dần phai nhạt. Vấn đề của sau đó là khi duy trì tình cảm này, bạn có giữ được sự hạnh phúc đúng nghĩa hay không.
Nếu bạn bắt đầu rơi vào cô đơn, căng thẳng, lo sợ đủ chuyện thì nên chia sẻ thẳng thắn với người ấy. Hai bạn cần xem lại cách ứng xử của mình, tìm ra sự thống nhất chung hoặc ít nhất cả hai sẽ thấu hiểu, cảm thông đối phương hơn và tự sửa đổi bản thân.
Bạn đủ tin tưởng người ấy và ngược lại
Niềm tin là cốt lõi của mối quan hệ lành mạnh. Nó giúp cả hai đứng vững cùng nhau trước mọi bất đồng, khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Bạn và đối phương có thể dành sự tin tưởng cho nhau, cũng như không can thiệp quá mức vào sự riêng tư của nhau.
Bạn và đối phương cảm thấy sự khác biệt của nhau không phải là vấn đề
Dù hai bạn cố gắng thấu hiểu để hòa hợp đến mức nào vẫn không thể hoàn toàn xóa bỏ khoảng cách của sự khác biệt về tính cách, quan điểm sống, cách đối nhân xử thế… Một mối quan hệ tích cực không phải “hòa tan” vào nhau mà chấp nhận, tôn trọng sự riêng biệt.
Hai bạn vẫn giữ được sở thích riêng
Mỗi người đều có sở thích, sở trường hay những điều thích làm không hẳn giống nhau. Nếu người ấy tôn trọng bạn, họ sẽ dành cho bạn sự tự do nhất định để làm những điều yêu thích. Đối phương cũng có thể sẽ thử cùng bạn làm chúng, biết đâu cả hai lại tìm ra điểm chung mới.
Bạn luôn được tôn trọng và giúp đỡ
Một người đồng hành tốt là biết động viên, hỗ trợ người kia khi cần thiết chứ không phải chỉ phản bác, chê bai, độc tài. Vì vậy, nếu đối phương luôn trở thành điểm tựa vững chắc cho bạn trong những giai đoạn khó khăn, vậy thì hãy giữ chặt người ấy nhé.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn “chấm điểm” lại xem mình có đang ở trong mối quan hệ lành mạnh hay không, từ đó có biện pháp cải thiện tình hình hiệu quả nhất.
PV (T/h)