Nguyên nhân gây đau họng có rất nhiều, trong đó, có một trường hợp cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng mà dễ bị bỏ qua - viêm nắp thanh quản cấp tính.
Cuối tháng 5 vừa qua, một người phụ nữ 26 tuổi ở Trung Quốc bị đau họng sau khi ăn lẩu. Sau khi triệu chứng trở nên trầm trọng, cô được đưa đến bệnh viện để điều trị nhưng không thể cứu sống, chỉ mất 10 phút kể từ khi đến bệnh viện tới lúc tử vong. Cơn đau họng "chết người" này là viêm nắp thanh quản cấp tính.
Viêm nắp thanh quản cấp tính là một trong những cấp cứu nghiêm trọng nhất của tai mũi họng, thường do viêm và kích thích đờm gây co thắt thanh quản hoặc gây ra phản xạ dây thần kinh phế vị dẫn đến ngừng tim, ngừng hô hấp, từ đó dẫn đến ngạt thở, thiếu oxy, nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân nếu cảm thấy khó chịu ngày càng trầm trọng thì nên đến kiểm tra kịp thời, nếu không nắp thanh quản sẽ hoàn toàn bao phủ thanh môn, tình hình sẽ trở nên nguy kịch hơn.
Viêm nắp thanh quản cấp tính là gì? Tại sao nó lại nguy hiểm như vậy?
Nắp thanh quản được cấu tạo bởi sụn nắp thanh quản và niêm mạc bao phủ, nằm phía sau xương móng và gốc lưỡi, phía trước lối vào thanh quản, có hình dạng giống chiếc lá.
Khi con người nói hoặc thở, nắp thanh quản di chuyển lên trên để mở khoang họng. Khi nuốt, nắp thanh quản di chuyển xuống dưới để che khí quản và bảo vệ đường hô hấp khỏi sự xâm nhập của thức ăn.
Khi nắp thanh quản bị nhiễm trùng, dị ứng và các yếu tố khác dẫn đến phản ứng viêm, khiếp nắp thanh quản có thể bị biến dạng, sưng tấy hoặc hoạt động sai chức năng. Nếu không điều trị kịp thời, nó sẽ từ “chiếc lá nhỏ” thành “quả bóng” sưng tấy, tắc nghẽn và đóng lại khí quản, dẫn đến ngạt thở và tử vong.
Viêm nắp thanh quản cấp tính là tình trạng viêm cấp tính của niêm mạc thanh quản ở vùng trên thanh môn. Loại viêm này không chỉ ảnh hưởng đến nắp thanh quản mà còn ảnh hưởng đến nhiều cấu trúc khác nhau ở vùng trên thanh môn. Bệnh nguy hiểm ở chỗ khởi phát nhanh, có thể xảy ra trong vòng nửa giờ đến vài giờ, tiến triển rất nhanh và tỷ lệ tử vong cao.
Những yếu tố nào có thể gây viêm nắp thanh quản cấp tính?
Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến gây viêm nắp thanh quản cấp tính, thường do nhiễm vi khuẩn như Haemophilusenzae loại B, liên cầu tan máu, tụ cầu và phế cầu khuẩn hoặc kết hợp với nhiễm virus. Hầu hết các nhiễm trùng là qua đường hô hấp.
- Phản ứng dị ứng: Phản ứng với một chất gây dị ứng nào đó do chế độ ăn uống, thuốc hoặc vết côn trùng cắn cũng có thể gây sưng niêm mạc nắp thanh quản và các mô xung quanh.
- Chấn thương họng: chẳng hạn như hít phải hơi nước, khí kích thích và độc hại, ăn thức ăn quá nóng hoặc gây kích ứng,… có thể gây tổn thương viêm niêm mạc và gây phù nề.
- Nhiễm trùng các cơ quan lân cận: Viêm cấp tính các cơ quan hoặc mô xung quanh nắp thanh quản cũng có thể lan rộng và xâm lấn niêm mạc nắp thanh quản như viêm amiđan cấp, viêm sàn miệng, viêm mũi cấp tính…
Các đối tượng dễ mắc bệnh
Viêm nắp thanh quản cấp tính phổ biến hơn ở người già, có khả năng miễn dịch kém, nhiều bệnh nền và có thể xảy ra quanh năm, thường gặp nhất là vào đầu mùa xuân, cuối mùa thu và khi chuyển mùa.
Bên cạnh đó, bệnh hay gặp ở những người trẻ tuổi, áp lực công việc cao, nhịp sống nhanh, chế độ ăn uống không hợp lý.
Triệu chứng của viêm nắp thanh quản cấp tính
Cần lưu ý, nhiều bệnh có thể gây viêm họng, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp phổ biến vào mùa thu đông. Vì vậy, khi thấy khó chịu ở họng, đa số mọi người sẽ nghĩ là cảm lạnh hoặc sốt nên rất dễ bị chẩn đoán sai, dẫn đến điều trị chậm trễ.
Các triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào cơ chế bệnh sinh của viêm nắp thanh quản cấp tính. Viêm nắp thanh quản cấp tính do các yếu tố nhiễm trùng gây ra thường biểu hiện ớn lạnh và sốt trong vòng 2-3 ngày trước khi khởi phát, sau đó là đau họng khi nuốt. Sau khi bệnh tiến triển, cảm giác nghẹn họng, khó thở nhanh chóng xuất hiện.
Đối với viêm nắp thanh quản cấp tính do yếu tố dị ứng, người có tiền sử dị ứng thức ăn hoặc thuốc có thể phơi nhiễm trong thời gian ngắn và thường tái phát, biểu hiện lâm sàng chủ yếu là cảm giác nghẹn họng.
So với các bệnh viêm họng khác, viêm nắp thanh quản cấp tính có triệu chứng nặng và khởi phát nhanh, các triệu chứng điển hình bao gồm đau họng, khó nuốt, có thể quan sát thấy niêm mạc nắp thanh quản bị tắc nghẽn, đỏ, sưng tấy, phù nề.
Cách điều trị và phòng ngừa
Phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ở giai đoạn đầu, khi đau họng là vấn đề chính thì điều trị truyền dịch tích cực, điều trị chống nhiễm trùng và chống viêm là chủ yếu và hầu hết đều hồi phục tốt.
Đối với những bệnh nhân khởi phát triệu chứng cấp tính, chủ yếu là khó thở, tức ngực, bệnh nhân cần được phân loại theo mức độ, trường hợp nặng phải phẫu thuật mở khí quản để thiết lập đường thở nhân tạo.
Về mặt phòng ngừa, đối với bệnh nhân trung niên và cao tuổi mắc một số bệnh mãn tính, cần tích cực kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu và lipid máu trong cuộc sống hằng ngày để duy trì môi trường bên trong cơ thể ổn định.
Đối với người bệnh có thể trạng bình thường, nên tránh mệt mỏi quá mức, chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh xa các chất có thể gây dị ứng cho cơ thể.
Ngoài ra, nếu xảy ra viêm amidan cấp tính, viêm họng, viêm mũi và các bệnh nhiễm trùng cơ quan lân cận khác thì cần điều trị kịp thời để tránh tình trạng viêm lan sang nắp thanh quản.
PV (T/h)