Việc uống quá nhiều cà phê nguyên chất có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim ở cô gái 21 tuổi nghiện cà phê. Hãy cùng uống cà phê cho đúng cách để tránh hiểm họa nhé.
Từ khi còn học đại học, Rachel Finley (người Anh, 21 tuổi) đã bắt đầu uống tới 8 tách cà phê espresso mỗi ngày. Những ca làm thêm mệt mỏi tại nhà hàng khiến cô ngày càng nghiện cà phê hơn. Cô thậm chí còn dùng thêm cả những viên nang chứa caffeine (loại chất có trong cà phê) để tỉnh táo.
Khi trải qua tình trạng tim đập nhanh suốt đêm, cô cho rằng mình đang bị căng thẳng. Nhưng khi đi khám, cô được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhịp tim. Bác sĩ khuyến cáo, nếu không được điều trị, bệnh có thể làm tổn thương tim, não hoặc các cơ quan khác, dẫn đến đột quỵ, suy tim hoặc ngừng tim, gây tử vong.
Các bác sĩ cho rằng, việc uống quá nhiều cà phê nguyên chất có thể là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim. Các chất kích thích như caffeine dễ khiến tim đập nhanh hơn và tăng huyết áp tạm thời. Người nghiện caffeine có thể bị rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, run rẩy, nhức đầu, tăng huyết áp, hồi hộp và nhịp tim bất thường.
Bác sĩ đã khuyên Rachel dừng cà phê một thời gian để theo dõi và điều trị bệnh.
6 tác hại đáng sợ khi dùng quá nhiều cà phê
Gây mất ngủ, căng thẳng
Caffeine giúp cho cơ thể luôn tỉnh táo và giảm thiểu cảm giác mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều cà phê trong thời gian dài sẽ gây ra tác dụng ngược làm cơ thể ngày càng mệt mỏi hơn, dẫn đến tình trạng mất ngủ, căng thẳng. Việc mất ngủ thường xuyên dẫn đến làn da ngày càng nhăn nheo, khô, xỉn màu và nhanh lão hoá.
Gây hại thận
Uống cà phê mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi oxalat ở trong thận. Nguyên nhân là do cà phê chính là nguồn cung cấp oxalate phổ biến. Chưa kể đến, một số chất phụ gia có trong cà phê có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng của thận.
Ngoài ra, lạm dụng cà phê quá nhiều còn làm suy giảm chức năng tuyến thượng thận. Do tuyến thượng thận giữ vai trò điều hòa nhịp tim do đó nếu làm việc quá sức sẽ khiến cho cơ thể dễ kiệt sức.
Gây hại dạ dày
Cà phê có nồng độ pH khá thấp, khi bạn uống quá nhiều sẽ khiến cho lượng axit vào cơ thể tăng cao gây ra các phản ứng không tốt cho dạ dày. Triệu chứng thường gặp có thể kể đến như: Khó chịu, đầy bụng, đau bụng, khó tiêu. Thậm chí, nếu uống cà phê liên tục trong thời gian dài có thể dẫn tới bệnh viêm, loét dạ dày.
Gây hại gan
Theo một số nghiên cứu, khi sử dụng lượng cà phê vừa phải có thể hỗ trợ giải độc gan. Tuy nhiên, khi cơ thể dung nạp lượng caffeine quá nhiều lại gây ra tác dụng ngược và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan.
Gây loãng xương
Caffeine trong cà phê có thể làm gia tăng quá trình đào thải lượng canxi đưa ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, dẫn đến hiện tượng suy yếu xương.
Gây hại cho phụ nữ mang thai
Caffeine có thể làm cản trở quá trình hấp thu sắt cho sự phát triển của thai nhi. Nhiều nghiên cứu cho rằng, thai phụ uống cà phê quá nhiều sẽ làm thai nhi bị rối loạn nhịp tim, hô hấp. Bên cạnh đó, uống nhiều cà phê có thể tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và dị tật khi sinh ra.
Uống cà phê bao nhiêu là đủ?
Theo khuyến nghị của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), lượng caffeine an toàn dùng hàng ngày không nên vượt quá 400 mg. Một tách hoặc gói cà phê thông thường có khoảng 70-100 mg caffeine. Như vậy, một người trưởng thành khỏe mạnh không nên uống quá 4-5 tách mỗi ngày. Người có cơ địa nhạy cảm với caffeine hoặc mắc các bệnh lý cụ thể nên thận trọng hơn.
Thông thường, sau khi uống cà phê, cơ thể cần khoảng 1 giờ để hấp thụ 20%, 3-7 giờ để hấp thụ 50%, và khoảng 12 giờ để hấp thụ toàn bộ lượng caffeine. Nên để tốt nhất, chúng ta nên giãn cách thời gian uống cà phê trong ngày, mỗi lần uống nên cách nhau khoảng 3 giờ.
Bạn cũng nên lưu ý uống cà phê trước giờ đi ngủ buổi tối khoảng 6 tiếng. Ví dụ, nếu bạn ngủ lúc 22h hàng ngày thì tránh uống cà phê hay những thức uống khác có chứa caffeine sau 16h để hạn chế mất ngủ.
PV (T/h)