Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát, làm gì để phòng và chống bệnh này, hãy nghe lời khuyên của bác sĩ nhé.
Đau mắt đỏ là bệnh gì?
Bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) lây từ người này sang người khác qua nước mắt và rử ghèn có chứa nhiều mầm bệnh.
Cụ thể, người bệnh hay lấy tay dụi mắt, sau đó tay dính dịch tiết chứa mầm bệnh cầm nắm vào các đồ vật sử dụng chung trong nhà, nơi làm việc, trường học… làm cho người khác khi sử dụng đồ vật đó bị lây. Bệnh đau mắt đỏ cũng có thể lây qua môi trường bể bơi tập thể. Bên cạnh đó, các phòng khám mắt không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh tay và dụng cụ cũng có thể làm lây bệnh từ người này sang người khác.
Đặc biệt, một số dạng viêm kết mạc do virus còn có thể lây bệnh qua đường hô hấp. Ở người bình thường, nước mắt được dẫn lưu xuống mũi qua hệ thống lệ đạo, khi viêm kết mạc, nước mắt chứa yếu tố gây bệnh được dẫn lưu xuống mũi họng. Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi dịch mũi họng bắn ra ngoài không khí sẽ gây bệnh cho người khác.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiểu biết về những cách lây bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh bệnh lây lan, cụ thể:
- Người bị viêm kết mạc cần nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế đến nhũng nơi đông người để tránh lây cho người khác.
- Sử dụng đồ vật riêng, không dụi tay lên mắt. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc. Khi bắt buộc phải sử dụng các đồ vật chung phải rửa tay bằng xà phòng trước; sau khi khỏi bệnh cần rửa sạch kính đeo mắt bằng xà phòng để tránh tái nhiễm.
- Không sử dụng một lọ thuốc tra mắt cho nhiều người.
- Không sử dụng nước muối tự pha để nhỏ mắt vì không đảm bảo vô trùng; nồng độ muối và độ pH cũng không thích hợp với mắt. Bên cạnh đó, nước muối tự pha còn thường có lẫn những tạp chất có hại cho mắt.
- Đặc biệt, người bệnh không vứt bừa bãi bông gạc sau khi sử dụng thấm rửa mắt. Người bệnh cần thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi nắng.
- Các phòng khám cần yêu cầu nhân viên thực hiện tốt việc vệ sinh tay và sát trùng dụng cụ đúng quy trình.
Cách chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu không có thực sự hiệu quả?
Bệnh đau mắt đỏ khiến người mắc phải đau và nhức mỏi mắt vô cùng. Tuy nhiên, đây không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm về mắt, có rất nhiều các cách truyền miệng được nhiều người áp dụng vì chúng được cho là có hiệu quả cao và giúp khỏi bệnh nhanh chóng. Vậy thực hư các cách đó có thật sự hiệu quả?
Chữa đau mắt đỏ bằng lá trầu có hiệu quả đối với một số trường hợp nhưng cũng có thể gây tác dụng phụ. Thực tế, sau một tuần, đau mắt đỏ có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nhiều người đã tìm kiếm các phương pháp khác nhau trong đó có việc sử dụng lá trầu không để giảm sưng và tránh cảm giác khó chịu mà bệnh này mang lại.
Đây được coi là phương pháp truyền miệng từ dân gian khá hiệu quả trong việc chữa trị chứng đau mắt đỏ gây ngứa ngáy, tuy nhiên cách làm này cũng tiềm ẩn một số nguy hiểm.
Lá trầu không có tác dụng tiêu viêm và kháng khuẩn đối với đau mắt đỏ, nhưng chữa bằng phương pháp này có thể mang theo những nguy cơ hại sức khỏe.
Sử dụng lá trầu không một cách không cẩn thận có thể gây bỏng giác mạc, loét giác mạc, sưng nề, và xuất huyết dưới kết mạc. Ngoài ra, đây là phương pháp dân gian và chưa có bằng chứng khoa học xác nhận hiệu quả của nó trong việc điều trị đau mắt đỏ, có thể dẫn đến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn nếu sử dụng không đúng cách hoặc lá trầu không chưa được rửa sạch.
pv (t/h)