Việc phòng bệnh và phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư rất quan trọng. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn ung thư, khả năng kéo dài sự sống không cao.
Trong suy nghĩ của mọi người, ung thư và khối u có liên quan mật thiết với nhau. Khi khối u xuất hiện, một số người còn nghĩ nó sẽ tiến triển thành ung thư. Trên thực tế, ung thư là chỉ khối u ác tính, ngoài ra còn có những khối u lành tính, không gây nguy hiểm cho con người.
Nếu là khối u lành tính, nó thường không có dấu hiệu xâm lấn và di căn. Khi được điều trị tốt, bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, những tổn thương tiền ung thư đề cập tới những tổn thương có nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư. Chỉ khi nó bị tác động bởi một vài yếu tố, những tổn thương này mới tiến triển thành ung thư sau vài năm hoặc sau vài thập kỷ.
5 tổn thương tiền ung thư thường gặp nhất
Những tổn thương tiền ung thư giống như một tín hiệu chỉ ra nơi có khả năng khối u đang phát triển. Sau đây là 5 tổn thương tiền ung thư thường gặp nhất, nếu nhận thấy có điều bất thường, bạn cần đi khám kịp thời.
1. Polyp đại trực tràng
Polyp đại trực tràng là một dạng tổn thương tiền ung thư ruột, nếu kích thước của polyp lớn hơn 2cm, bạn sẽ có nguy cơ bị ung thư cao. Dữ liệu lâm sàng cho thấy, 95% những trường hợp ung thư ruột kết có liên quan tới u tuyến và mất từ 5 - 15 năm polyp phát triển từ polyp thành ung thư.
Ngoài phẫu thuật cắt bỏ polyp, người bệnh nên khám định kỳ 5 năm 1 lần, cai rượu bia, thuốc lá, kiểm soát chế độ ăn uống (hạn chế thức ăn giàu đạm, giàu chất béo, tăng cường rau củ, ngũ cốc thô), tập thể dục thường xuyên (tuần 3 lần, mỗi lần 30 phút).
2. Tăng sản không điển hình vú
Mặc dù bệnh tăng sản tuyến vú không nguy hiểm, có thể điều trị dễ dàng. Thế nhưng, có 3 tình trạng khác như tăng sản không đỉnh hình vú, tăng sản nang vú, u nhú trong ống tuyến vú là những tổn thương tiền ung thư, cần hết sức lưu ý.
Đối với những tổn thương tiền ung thư này, phụ nữ cần can thiệp sớm thông qua việc khám sức khỏe định kỳ. Đồng thời, phụ nữ nên giảm việc sử dụng các thực phẩm bổ sung estrogen, kết hợp với tập thể dục vừa phải.
3. Xơ gan
Yếu tố gây ung thư hàng đầu của bệnh ung thư gan chính là bệnh gan mãn tính, viêm gan, xơ gan. Ngoài ra, những người có tiền sử mắc bệnh viêm gan B cũng thuộc nhóm nguy cơ mắc ung thư gan cao.
Đối với những người này, cần đi khám sức khỏe định kỳ từ 3 - 6 tháng, chú ý đến các chỉ số siêu âm viêm gan B, alpha-fetoprotein. Việc điều trị viêm gan B, cai thuốc lá, bia rượu có thể cải thiện được phần nào tình trạng xơ gan.
4. Nốt phổi (hạch phổi)
Tăng sản u tuyến không điển hình ở các nốt phổi cũng là một dạng tổn thương tiền ung thư, nếu các nốt phổi càng lớn thì nguy cơ càng cao.
Các nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng, các nốt phổi có kích thước dưới 0,5 - 1cm, hơn 2cm và 3cm tương ứng với tỷ lệ mắc ung thư phổi là 6 - 28%, 64 - 82%, 90 - 95%.
Điều này cho thấy, những bệnh nhân có nốt phổi lớn cần được can thiệp sớm bằng cách tầm soát ung thư phổi mỗi năm 1 lần. Việc bỏ thuốc lá, thường xuyên hít thở không khí trong lành sẽ làm giảm sự tác động của các yếu tố gây bệnh.
5. Viêm teo dạ dày mãn tính
Khi bệnh nhân phát triển bệnh tới giai đoạn này, những tổn thương tiền ung thư có khả năng cao sẽ xuất hiện. Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng như đau vùng thượng vị, chướng bụng, ăn không ngon…
Nếu là người mắc các bệnh dạ dày, cần phải thường xuyên đến bệnh viện khám định kỳ. Đối với người mắc bệnh viêm teo dạ dày mãn tính, nên khám định kỳ 1 - 2 năm một lần. Ngoài ra, bệnh nhân nên từ bỏ những thói quen xấu, cai thuốc lá, bia rượu, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để cải thiện tình trạng bệnh.
Relife