Cổ nhân có câu nói: “Đàn ông sợ tháng Tám, đàn bà lo tháng Chạp”, bạn có hiểu ý nghĩa lời nhắc nhở này không? Tại sao tháng Tám và tháng Chạp lại trở thành nỗi lo sợ của mọi người?
Nỗi sợ của người xưa được đúc kết trong câu nói: “Đàn ông sợ tháng Tám, đàn bà lo tháng Chạp”, 2 tháng này có điều gì kinh khủng mà ám ảnh nhiều người đến vậy? Liệu có mối liên hệ nào giữa đàn ông, phụ nữ với tháng sinh không, tại sao lại là hai tháng Tám và Chạp?
1. Vì sao “Đàn ông sợ tháng Tám”?
Tháng Tám là thời điểm thu hoạch mùa màng với nhiều công việc nặng nhọc, vất vả. Có lẽ vì lý do đó mà tháng này đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Ngày xưa, chưa có máy móc hỗ trợ cho hoạt động nông nghiệp, mọi việc đều tự tay con người phải làm. Tất nhiên, những người đàn ông khỏe mạnh trong gia đình sẽ phải thực hiện nhiệm vụ này.
Ở nhiều khu vực, tháng 8 chính là lúc lúa chín rộ, nếu không thu hoạch sớm, rất có thể sẽ bị thất thoát bởi mưa bão, chim chóc. Không đơn thuần chỉ là cắt lúa mà còn phải vận chuyển, phơi khô, bảo quản… rất nhiều đầu việc cần phải làm cho kịp. Tháng này được cho là bận rộn nhất của người nông dân.
Thời tiết tháng 8 vô cùng khắc nghiệt, nóng bức, đặc biệt là vào buổi trưa khi mặt trời như thể đang thiêu đốt mặt đất. Phải làm việc ngoài trời trong tiết trời như vậy quả thực chẳng dễ chịu gì.
Đàn ông sợ tháng 8 cũng còn bởi lý do, nếu vợ đang mang bầu và lại sinh đẻ đúng vào tháng này thì sẽ còn bận hơn gấp bội. Họ vừa phải lo việc đồng áng, lại vừa phải chăm sóc vợ con.
Nói “đàn ông sợ tháng Tám”, không phải ám chỉ rằng họ lười biếng, sợ phải lao động. Câu nói này còn có ẩn ý sâu xa hơn, “sợ” ở đây là đang hồi hộp, lo lắng cho khoảng thời gian quan trọng nhất của năm. Bên cạnh đó, còn là sự hy vọng, nỗi đau đáu, mong chờ một mùa màng bội thu.
2. Vì sao “Đàn bà lo tháng Chạp”?
Tháng Chạp chính là tháng 12 âm lịch, là tháng cuối cùng của một năm. Ai cũng tất bật dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, nấu nướng để tiễn năm cũ, đón năm mới.
Ngày xưa, đàn ông sẽ lo việc đồng áng, kiếm tiền, còn phụ nữ làm nội trợ, chăm sóc con cái, bố mẹ. Thời điểm cuối năm, người phụ nữ phải lo làm lễ cúng, mua sắm đồ đạc, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa… gần như chẳng có thời gian để nghỉ ngơi.
Đàn bà sợ tháng Chạp cũng bởi, tháng này có thời tiết lạnh nhất trong năm. Dù lạnh giá đến mấy, họ vẫn phải thức khuya, dậy sớm để lo cơm nước cho các thành viên trong gia đình. Ngày xưa, chưa có bình nóng lạnh, máy sưởi,... nên việc sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn.
Khả năng chịu lạnh của nữ giới kém hơn nam giới, dễ bị lạnh tay chân, cảm cúm,... tuy vậy, họ vẫn chăm chỉ làm việc, thực hiện bổn phận của mình.
Ví thế, nói “đàn bà sợ tháng Chạp” cũng chính là cách để khen ngợi phẩm chất chịu thương, chịu khó của người phụ nữ. Để chăm lo cho hạnh phúc của gia đình, họ đã phải hy sinh và đánh đổi rất nhiều.
3. Mối liên hệ giữa đàn ông, phụ nữ và tháng sinh
Theo quan niệm của người xưa, con trai nên sinh vào tháng có tính âm, con gái nên sinh vào tháng có tính dương sẽ tốt hơn cho vận mệnh.
Tháng Tám, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, con trai vốn đã mang nhiều dương khí trong người nên sinh vào tháng này sẽ không tốt. Còn tháng 12 âm lịch thì trời lạnh, con gái mang nhiều âm khí trong người, sinh vào tháng này được xem là không phù hợp.
Cổ nhân cho rằng, con trai sinh tháng 8, con gái sinh tháng 12 âm, cuộc đời gặp nhiều sóng gió, thăng trầm. Dù chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều đó, tuy nhiên nó cũng phản ánh tư tưởng “ôn hòa” của người xưa, rằng vạn vật đều theo đuổi sự cân bằng của âm dương.
Câu nói “Đàn ông sợ tháng Tám, đàn bà lo tháng Chạp”, còn có ẩn ý là vai vế và vị trí của mỗi người trong gia đình đã được phân chia sẵn. Ai cũng cần cố gắng để làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình. Vợ chồng phải biết chung sức, chung lòng để xây dựng, giữ gìn tổ ấm và trân trọng cuộc sống hiện tại.
PV (T/h)