Chúng ta đã quá quen với câu "con gái rươu" nhưng chưa từng nghe câu "con trai rươu", vậy tại sao? Cùng Relife đi tìm hiểu nhé.
Tại sao chỉ gọi là con gái rượu mà không gọi con trai rượu nhỉ? Chắc tại con gái hay đi mua rượu cho bố chăng?
Nhắc đến câu nói “con gái rượu” của bố, lại làm tôi nhớ lại ký ức tuổi thơ của mình. Bố tôi cũng từng nói chị gái thứ 4 của tôi là “con gái rượu”. Hôm đó, chị gái tôi khiến mẹ tôi trách mắng vì làm sai điều gì đó (tôi không nhớ rõ nữa), chị dỗi không ăn cơm. Bố tôi thấy vậy đến dỗ dành chị vào ăn cơm, “con gái rượu” của bố vào ăn cơm đi con.
Bố tôi khi đó cũng uống rượu, tôi bảo chị rằng, “bố bảo chị là con gái rượu, vậy lần sau chị đi mua rượu cho bố đi nhé”. Sau này, gặp việc gì tôi cũng trêu chị mãi, chị được là “con gái rượu” của bố.
Tất nhiên, câu chuyện của tôi chưa phải là nguồn gốc của câu nói “đáng yêu” này, mà là câu chuyện dưới đây:
Vào thời nhà Tấn, có một người thợ may giỏi ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc, khi biết tin vợ có thai, ông rất mừng, hy vọng đứa bé là con trai để sau này nối nghiệp mình. Ông liền đặt người nấu mấy hũ rượu nếp to, để dành cho ngày lễ đầy tháng.
Đến khi người vợ hạ sinh một bé gái, ông thất vọng và quyết định không tổ chức lễ đầy tháng linh đình nữa, bèn chôn phần lớn các hũ rượu kia xuống gốc cây hoa mộc trong vườn và quên bẵng.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, bé gái đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, hơn nữa cô gái còn rất khéo tay và thông minh. Cô học được hết các kỹ thuật thêu thùa, may vá, quản lý sổ sách và làm cho hiệu may làm ăn phát đạt hẳn lên, phải thuê thêm người làm.
Ông thợ may khi đó mới hiểu ra rằng cô con gái mình quả thật là báu vật trời cho. Ông tìm cách sắp đặt cho con gái lấy người thợ học việc giỏi nhất của mình để sau này cửa hiệu vẫn được người nhà duy trì.
Đám cưới diễn ra linh đình. Khách khứa ra vào tấp nập, cỗ bàn bày chật sân. Ông chủ rất vui, uống rượu rất nhiều, bỗng nhiên ông nhớ ra những hũ rượu chôn dưới gốc cây ngày xưa. Ông vừa đào lên vừa thấp thỏm, không biết sau mười tám năm, rượu có còn uống được hay không?
Vừa mở nắp hũ rượu ra thì một mùi thơm ngọt ngào tỏa khắp căn nhà. Khách mời dùng thử đều tấm tắc khen rằng đây đúng là loại rượu ngon nhất từ trước đến giờ họ từng uống.
Câu chuyện sau đó được truyền tụng, dần dần trở thành truyền thống ở Thiệu Hưng. Hễ nhà nào sinh được con gái thì sẽ ủ rượu nếp rồi hạ thổ trong vườn, đến khi con gái đi lấy chồng thì mới lấy lên dùng trong tiệc cưới.
Rượu này gọi là “Nữ nhi tửu” hay “Nữ nhi hồng” (vì trang trí hũ rượu màu đỏ mừng cưới). Từ đấy mà sinh ra thuật ngữ “con gái rượu” nhằm chỉ cô con gái được yêu quý, khi đi lấy chồng thì cha mẹ phải “tốn” rất nhiều “rượu con gái” (nữ nhi tửu) quý giá.
Khi gọi “Con gái rượu” đã chứa đựng trong đó tình cảm, yêu mến, quý như rượu vậy. Vì rượu là thứ đồ uống làm cho người ta say, là đồ uống mà các đấng mày râu yêu thích.
PV (T/h)