Sau đây là những nơi càng tiêu tiền lai càng giàu mà Đức Phật đã khuyên chúng ta cần phải lưu tâm vì đó mới thực sự là trí tuệ, hiểu biết đích thực.
Người đời khuyến khích tiết kiệm để dành cho tương lai là để đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống của họ. Thế nhưng không phải điều gì cũng có thể dự đoán trước vì tiền tiết kiệm vẫn có nguy cơ bị mất đi, thế nên Phật mới dạy chúng ta rằng điều quan trọng là tích âm phước.
Theo lý thuyết của Phật giáo thì tiền là vật ngoài thân, chỉ là công cụ cho cuộc sống này, thế nên đừng quá bám chấp vào nó mà rước khổ đau. Không những thế, nếu biết sử dụng tiền đúng cách thì còn có được cuộc sống như mơ, cho dù đó là bạn muốn giàu có hay hạnh phúc.
1. Phật dạy: 3 nơi càng tiêu tiền lại càng giàu
Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng tiền bạc, tài sản, nhà cửa,... cũng chỉ là những thứ ta mượn của thế gian này. Thực tế tiền sẽ rời chúng ta trong các hoàn cảnh cụ thể sau:
- Trường hợp 1: Nước cuốn, lũ lụt tới sẽ nhấn chìm hết, cuốn trôi đi hết;
- Trường hợp 2: Lửa, nạn lửa sẽ đốt cháy hết;
- Trường hợp 3: Quan phủ, các vị phạm pháp, phạm tội, vào thời xưa gia tài sẽ bị sung công, tịch thu hết;
- Trường hợp4: Trộm cướp đến lấy mất.
- Trường hợp 5: Con cái phá tan của cải.
Thế nên hiểu rõ nguồn gốc của tiền bạc để biết rằng dùng tiền để tạo ra phước đức, công đức mới là điều nên làm. Đức Phật cũng đã chỉ ra những nơi càng tiêu tiền lại càng giàu có, thậm chí sanh vô lượng vô biên phước báo bao gồm:
- Thứ nhất ân điền: Cúng dường cha mẹ, đó là ân điền, cha mẹ có ân đối với chúng ta, phải biết hiếu dưỡng.
- Thứ hai kính điền: Cúng dường Tam bảo bao gồm: Phật, Pháp, Tăng.
- Thứ ba là bi điền: Cúng dường hết thảy khổ nạn chúng sanh.
Thế nên, theo lời Phật dạy, nếu có thể mang tiền chi vào, hay bố thí, cúng dường ba loại này thì phước báo đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn hưởng không hết.
Ít người thực hành nên không đủ cảm nhận được rằng đây là chỗ thù thắng nhất để cất giữ tài phú, không thể nào bị mất đi, cho dù thế giới này hủy diệt rồi, phước báo vẫn còn tồn tại mãi.
2. Tiêu tiền như thế nào để càng được nhiều tiền?
2.1. Tiền để cúng dường cho cha mẹ
Phật dạy phương pháp cúng dường cao quý nhất đó là cúng dường cho cha mẹ mình. Thế nên đừng bao giờ tiếc việc chi tiền cho cha mẹ - người sinh ra và nuôi dưỡng bạn nên người.
Đức Phật dạy rằng: “Khi chưa có Phật trên đời, bạn nên phụng dưỡng cha mẹ của mình cho tốt, vì phụng dưỡng cha mẹ là cúng dường Phật.”
Thế nên khi chúng ta là người trên thế gian này, ai còn bố mẹ thì nên tìm cách cúng dường vì bạn đang quá may mắn khi còn có cơ hội để thể hiện chữ hiếu với đấng sinh thành.
Đáng tiếc nhất là những người "không nhìn mặt" bố hay mẹ vì một vết thương lòng nào đó trong quá khứ. Dù sao bạn cũng chẳng thể nào phủ nhận rằng họ đang là người sinh ra và nuôi dưỡng bạn nên người. Trong đời hiện tại, bạn cũng chỉ có một bố, một mẹ mà thôi.
Thế nếu ai đang mâu thuẫn với mẹ cha thì tìm cách sửa mình để cứu vãn tình cảm với họ.
Đôi khi đó đơn giản là việc chăm sóc con cái của bạn đúng cách, chăm sóc mối quan hệ với những người xung quanh tốt đẹp, dần dần tâm tính chúng ta chuyển hóa, sẽ nhận ra điểm dễ thương của bố mẹ mà trước đây chúng ta không nhận ra.
Ai chẳng có mặt xấu, mặt tốt, đừng vì những điều bạn không hài lòng về họ trong quá khứ hay là trong hiện tại khiến mối quan hệ của hai người càng ngày càng đẩy xa nhau.
2.2 Tiền cúng dường Tam bảo
Chúng ta tin Tam Bảo bao gồm tin Đức Phật là bậc đã giác ngộ, thấy biết được sự thật của vạn vật trong vũ trụ này; tin Pháp là lời dạy của Người giúp ta vượt qua tăm tối vô minh; tin Tăng - những người đã xuất gia theo Phật, đang thực hành lời Đức Phật dạy để giải thoát cho mình và mang giáo Pháp của Phật giúp chúng sinh thực hành để giải thoát phiền não.
Đức Phật và trí tuệ của Ngài đã cứu giúp chúng sinh nhưng nếu không có cơ hội để lan rộng những hiểu biết của Ngài tới mọi người quả là thiếu sót lớn. Thế nên ta cúng dường Tam bảo cũng là cách để duy trì chánh tín, mang tới sự hiểu biết đích thực cho muôn loài, lợi ích của việc này đúng là không thể nghĩ bàn.
Cụ thể một số việc để cúng dường Tam bảo có thể kể đến như:
+ Cúng dường Phật: Đóng góp tiền bạc để xây dựng chùa chiền, thỉnh tượng cúng chùa, đúc chuông, dâng hoa, trầm, hương, đèn, nến,... hay cúng vào quỹ Tam Bảo,... Đây là cách chúng ta bày tỏ biết ơn đạo Phật, làm cho ngôi Phật bảo được huy hoàng và trang nghiêm, nhờ đó tăng thêm lòng thành kính cho những người đi chùa, lễ Phật.
+ Cúng dường Pháp: Chúng ta đem giáo lý của đức Phật đến cho những người khác biết để họ có lòng tin và tu học. Ta có thể cúng dường để hỗ trợ cho những buổi nói chuyện về Phật giáo, hay in thêm kinh sách, băng thuyết pháp (cassette hay video), tặng cho mọi người. Nhờ giáo lý của đức Phật, mọi người sẽ biết được đâu là khổ, đường nào tu học để được phước báo, để được giải thoát.
+ Cúng dường Tăng: Thánh Tăng ngày xưa chỉ lo tu học kinh kệ trong chùa, do vậy người Phật tử phải cúng dường chư Tăng gồm có: Y phục, thức ăn, giường và vật trải giường nằm, thuốc thang. Bốn thứ đó gọi là Tứ Sự Cúng Dường. Ngày nay khoa học đã tiến bộ, Phật tử có thể dâng cúng chư Tăng, Ni những phương tiện để phục vụ cho sự hành đạo được dễ dàng hơn...
Thực hành cúng dường Tam Bảo là phước báu thù thắng hơn tất cả, bởi nhờ sự cúng dường này mà Tam Bảo được lan truyền rộng khắp và trường tồn ở thế gian để nhiều người nương tựa, tu học, thực hành những lời Phật dạy, vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Phật là người tự tin ở khả năng chính mình, nỗ lực tu tập, hành trì cho đến giác ngộ hoàn toàn. Pháp của Ngài là những lời dạy chân chánh, thiết thực của chư Phật giúp người tu tập, hành trì vượt qua nỗi khổ, niềm đau cuộc đời.
Tăng là những người tu hành theo đạo Phật có nhiệm vụ truyền bá những lời Phật dạy, gìn giữ chùa chiền, kinh tạng, tạo điều kiện cho mọi người thân cận Tam Bảo, học tập, hành trì những lời Phật dạy để có được an vui, hạnh phúc trên cuộc đời.
2.3 Tiền giúp người, giúp đời
Chúng ta vẫn hay có tâm lý tiếc tiền khi giúp người khác, nhưng ít ai hiểu được một cách sâu sắc rằng việc gieo trồng phước đức thông qua bố thí, cúng dường là cách thức bán đi cái nghèo tốt nhất, nhanh nhất.
Có nhiều cách gieo trồng phước đức, nếu ta biết bố thí đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng thì phước đức sẽ vô cùng tận.
Không những thế thông qua việc giúp người chúng ta cũng trở nên gần gũi nhau trên tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau. Đó là giá trị cốt lõi mà đạo Phật muốn truyền tải tới chúng ta.
Khi thực hành bố thí, dù là người nghèo khổ, ăn xin, ta cũng phải tôn trọng, thành tâm mới có phước đức.
Làm giàu đã khó, biết thọ hưởng đúng pháp lại càng khó hơn. Nếu có phước mà không biết xài, chẳng phục vụ bản thân, không giúp ích gì cho gia đình và xã hội. Phước cũ đã dùng hết, phước mới chẳng vun bồi thêm, đến khi chết tài sản bị sung công, phước hết nên rơi vào nguy nan,...
Thế nên, người Phật tử chánh kiến cần phải học cách để có thể thọ hưởng đúng pháp những tài vật do mình làm ra. Hãy tận hưởng phước cũ để nay vui và tận lực tạo ra phước mới để đời sau vui, khiến cho cả hai đời đều vui.
Người trong thế gian, nếu không biết mà tích lũy tiền tài vào ba nơi này, thế giới này hủy diệt rồi, tài phú cũng theo đó mà bị hủy diệt, không còn được sở hữu nữa.
PV (T/h)