Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học, những người thường xuyên đăng ảnh tự sướng lên mạng xã hội thường là những người đang cô đơn, cần tìm sự quan tâm của người khác.
“Tự sướng” một mặt giúp chúng ta kết nối với bạn bè, xã hội. Nhưng mặt khác nó cũng ngầm cho thấy người “tự sướng” đang có vấn đề. Ví dụ như những cô gái trẻ thường cố khoe những bộ phận cơ thể mà họ cảm thấy tự tin, còn đàn ông thì đi tập gym và khoe cơ bắp.
Selfie - chụp ảnh “tự sướng” đang trở thành trào lưu bùng nổ trên toàn thế giới. Selfie thịnh hành đến mức người ta phát minh ra “gậy tự sướng” để phục vụ nhu cầu.
Thậm chí, từ selfie còn được bổ sung vào từ điển Oxford từ tháng 8 năm 2013. Hơn 267 triệu tấm ảnh selfie chia sẻ trên Instangram, 365 triệu tấm chia sẻ trên Twitter.
Vậy chính xác selfie là gì? Đó là một bức ảnh chân dung tự chụp bằng điện thoại thông mình và được chia sẻ trên mạng xã hội.
Trước đây, người hâm mộ phải chờ các tay săn ảnh mới có thể biết các thông tin về thần tượng. Nhưng giờ đây, nhờ selfie, các nghệ sĩ có thể tự cập nhật tình hình bản thân hằng ngày, hôm nay họ đi đâu, mặc gì, ăn gì, tâm trạng ra sao…
Nhưng không chỉ có nghệ sĩ, 2 tỷ người bình thường khác cũng dùng điện thoại thông minh và cũng “tự sướng” hằng ngày. Tất cả đều sử dụng mạng xã hội, đều có một lượng người theo dõi nhất định là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những mối liên hệ khác.
|
Những người thích chụp ảnh tự sướng khả năng rất lớn là những người đang cô đơn, đang tìm cách thu hút sự chú ý, quan tâm của mọi người. |
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại thích selfie? Vì sao chúng ta không chụp ảnh rồi khoe chúng với bạn bè khi gặp họ trực tiếp, hoặc nhờ người chụp cho chúng ta thay vì “tự sướng”?
Không có thời gian: công việc bận rộn khiến chúng ta có ít thời gian để gặp gỡ gia đình, bạn bè. Khi về đến nhà thì đã mệt lử. Nhưng chúng ta vẫn muốn chia sẻ với mọi người tình trạng của mình nên chúng ta “tự sướng”. Bạn bè ấn like và bình luận, thế là chúng ta hạnh phúc.
Không có ai bên cạnh: Chúng ta di chuyển một mình, ăn một mình, sống một mình. Chúng ta chụp ảnh món ăn mới vừa làm và hạnh phúc về điều đó. Hay khi chúng ta gặp người chúng ta yêu, chúng ta chụp ảnh lưu lại và muốn khoe nó với cả thế giới, để cả thế giới biết rằng chúng ta cũng có các mối quan hệ xã hội. Rồi chúng ta về nhà, nằm một mình, lướt mạng xã hội xem lại tấm ảnh đó được bao nhiêu like, comment.
“Tự sướng” một mặt giúp chúng ta kết nối với bạn bè, xã hội. Nhưng mặt khác nó cũng ngầm cho thấy người “tự sướng” đang có vấn đề. Ví dụ như những cô gái trẻ thường cố khoe những bộ phận cơ thể mà họ cảm thấy tự tin, còn đàn ông thì đi tập gym và khoe cơ bắp.
Nhưng ngoài đời thực thì họ thế nào? Một người đồng tính không được cộng đồng chấp nhận, một cô gái trẻ nhút nhát. Những người gặp khủng hoảng thường có xu hướng “tự sướng”.
Họ thay đổi hình ảnh bản thân và post hình ảnh giả đó lên mạng xã hội. Ngoài “lừa dối người khác về hình ảnh bản thân”, nhìn vào ảnh selfie của người khác khiến chúng ta mất tự tin về bản thân bởi hình ảnh của người khác luôn đẹp hơn, rạng rỡ hơn, hạnh phúc hơn.
“Tự sướng” chứng tỏ bạn đang cô đơn!
Các chuyên gia cho rằng những người thường xuyên chụp ảnh tự sướng khả năng rất lớn là những người đang cô đơn, họ đang tìm kiếm sự quan tâm của người khác.
Chụp ảnh “tự sướng” là dấu hiệu cho thấy họ đang gặp trục trặc trong các mối quan hệ hoặc gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thường xuyên đăng ảnh tự sướng cũng có khả năng là do “vô công rồi nghề” và tìm cách gây sự chú ý.
Nhóm nghiên cứu ở Thái Lan đã đánh giá thói quen, tính cách của 300 sinh viên dựa vào mức độ chụp ảnh selfie của họ.
Đối tượng tham gia chủ yếu là những cô gái trẻ từ 21 đến 24 tuổi, các câu hỏi phỏng vấn được thiết kế để đánh giá xem liệu họ có quá yêu bản thân, thích được chú ý, thích biến mình thành trung tâm hoặc sống cô độc hay không.
Kết quả cho thấy phần lớn các cô gái đều dành hơn 50% thời gian rảnh rỗi của họ để dùng điện thoại, truy cập internet.
|
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cả đàn ông và phụ nữ khi cô đơn đều có xu hướng chụp ảnh tự sướng để tìm kiếm sự quan tâm từ những người khác. |
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Peerayuth Charoensukmongkol, Viện Phát triển Hành chính Quốc gia, Băng Cốc cho biết: “Những người thích chụp ảnh tự sướng biết rằng cuộc sống và tinh thần của họ đang gặp vấn đề, họ cũng biết rằng mối quan hệ của họ với những người khác cũng đang gặp trục trặc.
Chụp ảnh selfie giúp họ kiểm soát những gì người khác thấy họ qua các bức ảnh. Do đó, không quá ngạc nhiên khi những người rất yêu bản thân mình sẽ thích chụp ảnh tự sướng vì nó cho phép họ đạt được mục đích này”.
“Một số nhà nghiên cứu cho rằng, thói quen chụp ảnh tự sướng có thể liên quan đến các bệnh tâm thần. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học lại cho rằng đây chỉ là một triệu chứng của sự mặc cảm, không tự tin về ngoại hình. Đó cũng có thể là do họ chỉ yêu bản thân mình và không quan tâm đến người khác”, TS. Charoensukmongkol nói thêm.
PV (T/h)