Những hành động này của cha mẹ tưởng là yêu con nhưng thực ra lại gây ra những hệ lụy xấu cho con cái.
Dùng phần thưởng chỉ để con thực hiện điều bạn muốn
Phần thưởng phải dành cho những trường hợp xứng đáng. Còn nếu treo thưởng chỉ để con tham gia một điều gì đó mà bạn muốn thì sẽ hạ thấp giá trị phần thưởng và giảm sự cố gắng của con. Thế nên đừng đồng đều phần thưởng để động viên. Hãy trao thưởng khi có thành tích thực sự, chứ không phải khi con chưa hoàn thành cũng có thưởng. Điều đó sẽ hủy diệt ý chí của con trẻ.
Tránh cho con trải nghiệm rủi ro
Ai cũng sợ con mình mất an toàn. Nhưng nếu bạn tìm mọi cách bảo bọc con, tránh cho con trải nghiệm vì sợ rủi ro thì con sẽ không bao giờ phát huy hết nội lực cá nhân. Do đó bạn cần cho con trải nghiệm và vấp ngã rồi để con tự tìm hướng giải quyết, cách đứng lên. Điều đó sẽ rèn cho trẻ bản lĩnh. Bạn chỉ có việc kiểm soát để tránh rủi ro lớn mà thôi. Khi nhỏ tập đi để chúng ngã là bình thường, khi lớn hơn rủi ro khi tập đi xe đạp là bình thường, khi lớn hơn trải nghiệm thất bại trong tình yêu cũng là bình thường...
Chiều chuộng con làm thay việc của con
Nhiều người chiều chuộng con tới mức không muốn con phải động chân tay vào thứ gì, làm cho con mọi thứ. Trẻ nhỏ mà được nuông chiều quá mức sẽ sinh hư, lười nhác và không có kỹ năng nên khi ra ngoài đời sẽ thành những đứa trẻ vô dụng. Thế nên cha mẹ yêu thương con chứ đừng làm mọi thứ thay con, nên chăm sóc con chứ không phải sống thay con.
Bênh vực con mọi lúc
Cha mẹ bênh vực con mù quáng là tiếp tay cho những sai lầm chồng chất của con. Bởi thế bên cạnh việc trao cho con niềm tin thì cha mẹ phải tỉnh táo để xác nhận sự thật về con mình. Khi con bị trách phạt, đừng đổ lỗi cho giáo viên hãy nhắc nhở con mình hoàn thiện bản thân, khi con và bạn đánh cãi nhau hãy nhắc con xử lý chứ không phải đổ lỗi cho bạn của con. Cha mẹ luôn bênh vực con sẽ khiến chúng ảo tưởng về bản thân và không nhận thức đúng về đúng sai.
Điều đó khiến đứa trẻ nảy sinh tâm lý ngang ngược mình luôn là đúng, là nhất. Ở nhà con có thể là nhất nhưng ra đời mà vẫn nghĩ thế thì con sẽ bị đào thảo, bị cô lập.
Luôn đề cao kết quả mà phớt lờ quá trình của con
Nhiều cha mẹ ham thành tích nên chỉ chú trọng vào kết quả con đạt được mà bỏ qua quá trình. Điều đó dẫn tới việc dạy trẻ bằng mọi giá đạt kết quả mà không còn quan tâm tới quá trình hành động. Điều đó khiến trẻ ham thành tích mà không thể tận hưởng hành trình nên sẽ không còn thấy ý nghĩa, và để lỡ nhiều bài học cuộc sống thú vị.
Coi con là tất cả của mình
Yêu con nhưng bạn hãy nhớ bạn còn nhiều thứ khác trong cuộc đời. Đừng coi con là tất cả đời bạn. Điều đó hại cho bạn và hại con. Khi coi con là tất cả đời mình, cha mẹ thường có nhận thức và đối xử sai lầm. Điều đó cũng vô tình khiến con thấy ngột ngạt hoặc khiến con sinh ra suy nghĩ mình đòi gì cha mẹ cũng phải cho.
PV (T/h)