Mâm cơm cúng tất niên là mâm cỗ không thể thiếu trong phong tục tập quán của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Mỗi vùng miền lại có những nét đặc sắc riêng về các món ăn được bày trên mâm cỗ.
Lễ cúng tất niên là một nghi thức không thể thiếu trong mỗi gia đình vào ngày cuối năm để báo cáo Thần Phật, tổ tiên về một năm đã qua và cầu chúc một năm mới an lành, vạn sự như ý.
Về cơ bản, nghi lễ này sẽ diễn ra vào chiều 30 Tháng Chạp. Khi đó tất cả các thành viên trong gia đình sẽ sum họp lại với nhau để cùng ăn bữa cơm tất niên và tất nhiên chủ nhà sẽ có thể mời thêm bạn bè hay người thân đến dự bữa cơm tất niên thân mật này.
Xã hội ngày càng hiện đại, càng có nhiều gia đình có xu hướng làm tất niên sớm hơn, luân phiên trong vài ngày trước Tết để có thể đến được nhà nhau hoặc có kế hoạch đi du lịch.
1. Mâm cúng Tất niên gồm lễ vật gì?
Về cơ bản, mâm cúng tất niên sẽ được chuẩn bị hai mâm, một mâm cúng trong nhà và một mâm cúng ngoài trời. Tuy nhiên, gia chủ có thể linh hoạt gộp chung 2 mâm cúng này lại, nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép.
Mâm cúng tất niên thông thường gồm các lễ vật sau:
Hương và đèn
Hương và đèn là hai lễ vật rất quan trọng và không thể thiếu trong cúng tất niên.
Hương và đèn là những lễ vật đại diện cho sự tinh tú và là sợi dây gắn kết giữa cõi âm và cõi dương. Các gia đình thường chuẩn bị hai cây đèn đặt hai bên bàn thờ để biểu tượng cho mặt trời và mặt trăng. Bạn cũng có thể thay thế đèn bằng nến cũng được.
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả cũng là một lễ vật quan trọng khi cúng tất niên vào ngày Tết. Khi bày mâm ngũ quả, nên chọn hoa quả tươi, màu sắc bắt mắt, không bị dập nát hay thối. Đồng thời tránh 8 loại quả không nên bày trên mâm ngũ quả để tránh phạm kỵ.
Đặc biệt, không nên sử dụng hoa quả nhựa để đặt lên mâm cúng tất niên, như vậy sẽ làm giảm đi ý nghĩa của mâm cúng tất niên, đồng thời còn “phạm thượng” tới ông bà tổ tiên nữa, nên các bạn lưu ý điều này nhé.
Bên cạnh đó, không nên để mâm ngũ quả ở chính giữa bàn thờ. Bởi vì, theo quan niệm của ông bà ngày xưa thì mâm ngũ quả đặt ở giữa bàn thờ sẽ che đi trục linh khí chính từ bát hương. Vì vậy, bạn nên để mâm ngũ quả ở bên cạnh bàn thờ (bên trái hoặc phải đều được).
Ngoài ra, lưu ý, không nên dùng hoa giả để cúng gia tiên mà hãy chuẩn bị những bó hoa tươi và đẹp mắt nhé.
Trong lễ cúng tất niên, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thắp hương và đọc văn khấn, rồi các thành viên khác làm lễ vái. Nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Để cho giản tiện, nhiều gia đình gộp chung lễ cúng tất niên với lễ cúng giao thừa.
Nếu không muốn cúng mâm cỗ tất niên dạng mặn, gia chủ cũng có thể cúng tân niên món chay đơn giản nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống của mâm cúng tất niên Việt Nam đó là: bánh chưng, xôi, chè.
2. Mâm cơm tất niên đặc trưng tại các vùng miền
Mâm cơm cúng tất niên truyền thống thường gồm có:
- Gạo, muối.
- Trà, rượu, nước lọc.
- Giấy tiền vàng mã.
- Bánh kẹo.
- Trầu cau.
- Chè, xôi, cháo trắng.
- Tam sên.
- Gà ta luộc.
- Heo sữa quay.
- Bánh bao.
- Bánh chưng hoặc bánh tét.
- Chả lụa.
Bữa cơm cúng tất niên luôn được làm thịnh soạn hơn ngày thường với những món ăn truyền thống của dân tộc, phù hợp với văn hóa vùng miền cũng như điều kiện của mỗi gia đình.
Tùy từng vùng miền với những đặc trưng riêng, mâm cỗ cúng tất niên sẽ được chuẩn bị những món khác nhau. Về cơ bản, các món hay được chế biến là:
Vùng miền | Các món cơ bản trong mâm cỗ tất niên |
Miền Bắc | Dưa hành muối, đĩa nộm, nem rán, giò xào, giò lụa, gà luộc, thịt đông, bánh chưng, xôi, bát mọc, miến nấu lòng gà, bát móng giò hầm măng lưỡi lợn... |
Miền Trung | Xôi, gà luộc, giò nạc, nem, miến xào thập cẩm, rau luộc hoặc rau xào, dưa hành, thịt đông, thịt bò kho mật mía, củ kiệu được ngâm mắm, thịt bò rim mật, cá lóc kho mặn, ngào, chè... |
Miền Nam | Thịt heo kho rượu với trứng, bánh tét, cháo gà được xé phay, cà ri gà ăn với bún, cá lóc cuốn với bánh tráng chấm nước mắm, tôm khô, lạp xưởng, dưa muối, rau củ xào, canh khổ qua nhồi thịt, thịt heo quay, bánh hỏi, giò chả.. |
Gợi ý một số mâm cơm cúng tất niên đơn giản, dễ làm:
3. Một vài lưu ý quan trọng khác
Mỗi gia đình bày trí mâm lễ cúng một khác, tuy vậy cỗ cúng (mặn hay chay) nên đặt ở dưới cái bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng.
Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính. Không nên cắm "cành vàng lá ngọc" (hàng mã) lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.
- Nên làm cỗ cúng, tiến hành lễ cúng Tất niên vào chiều hoặc tối ngày 30 Tết
Hiện nay nhiều gia đình có xu hướng làm cơm cúng Tất niên sớm hơn, có thể luân phiên nhau trong vài ngày trước Tết để người thân có thể tới nhà nhau hoặc có kế hoạch đi du lịch. Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình mà có thể lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để tiến hành lễ cúng cũng như cả gia đình đoàn tụ bên mâm cơm Tất niên.
Thời điểm chiều hoặc tối 30 Tết là thích hợp nhất. Khi ấy, mọi công việc năm cũ đều đã kết thúc, nhà cửa được dọn dẹp, trang hoàng tinh tươm, mọi thành viên trong nhà cũng trở về kịp để quây quần bên nhau. Mọi thứ dường như đầy đủ, sẵn sàng trình diện và làm cơm cúng.
Bữa cơm Tất niên được coi như khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ để mọi người cùng nhau ôn lại những việc đã xảy ra, cùng hứa hẹn những điều tốt đẹp trong năm mới. Trong thời điểm cúng lễ, mọi thành viên trong nhà nên có mặt đầy đủ, ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề để “thưa chuyện” với tổ tiên, người lớn trong nhà.
- Cần chuẩn bị lễ cúng trước khi cả gia đình ăn cơm Tất niên
Làm mâm cúng Tất niên nhằm mục đích tưởng nhớ và thể hiện sự thành kính đối với tổ tiên, ông bà, thần phật... Vì thế cần chuẩn bị riêng và chu đáo. Trước khi cả nhà dùng cơm Tất niên cần chuẩn bị đồ cúng và khấn vái với tổ tiên. Khi cúng, mọi thành viên trong nhà ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề, cùng trình diện trước bàn thờ gia tiên.
- Mâm cơm cúng Tất niên cần thịnh soạn hơn ngày thường
Tùy thuộc vào đặc trưng từng vùng miền, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, mỗi nơi sẽ có mâm cơm cúng Tất niên khác nhau, nhưng cần thịnh soạn hơn ngày thường. Những vật phẩm không thể thiếu theo phong tục của người Việt khi cúng Tất niên bao gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, trầu cau, vàng mã, rượu, bánh chưng...
- Khi cúng lễ phải nghiêm túc, không được đùa cợt
Làm lễ cúng tổ tiên mà lại nói chuyện to, cười đùa hay nói tục, chửi bậy là thể hiện sự bất kính, không thành tâm.
Ngoài ra, một số nơi còn kiêng gọi tên trẻ nhỏ khi cúng vì cho rằng thời điểm hành lễ vô cùng thiêng liêng, là lúc tổ tiên quy tụ, nhưng khó tránh khỏi vong hồn lang thang dạt vào nhà. Nếu chúng nghe được tên trẻ nhỏ yếu bóng vía, có thể làm hại trẻ.
- Không khí bữa cơm càng vui vẻ càng tốt
Nhà nhà đều mong muốn đón một năm mới nhiều niềm vui, may mắn, điều tốt lành. Trong thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới này, cần tạo không khí vui vẻ, phấn khởi, ngụ ý năm mới mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi. Tránh việc cãi vã, chửa rủa nhau.
- Tránh đổ vỡ
Theo quan niệm dân gian, không chỉ kiêng kị đầu năm đổ vỡ mà ngay cả thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới này đều nên tránh. Đổ vỡ mang tới điềm xui xẻo, nếu rượu hoặc dầu đèn bị đổ ra nền nhà có thể thu hút ma quỷ kéo tới nhiều, gây điều phiền nhiễu, năm mới chẳng được yên lành.
PV (T/h)