Tủ bếp là phần không thể thiếu trong các công trình nhà ở hiện đại. Bạn hãy tham khảo một số tư vấn sau.
Nhà bếp là một phần không thể thiếu trong các công trình nhà ở hiện nay, bởi tính thẩm mỹ và công năng tiện dụng của nó.
Chị Bùi Chinh (Hà Nội) là người làm trong lĩnh vực thi công, thiết kế nội thất đã có một số chia sẻ về kinh nghiệm làm tủ bếp cho các gia đình nhỏ. Chị mong rằng, những tư vấn của mình sẽ giúp mọi người lựa chọn được phương án làm tủ đẹp, bền vững nhất.
Chất liệu tủ
Theo chị Chinh, đầu tiên cần lựa chọn chất liệu làm tủ bếp. Mọi người cần phân biệt rõ giữa cốt gỗ là phần lõi bên trong và bề mặt phủ tạo thẩm mỹ bên ngoài. Có 7 loại gỗ công nghiệp chính đó là:
Ván dăm thường (MFC thường, gỗ tự nhiên ngắn ngày xay dạng dăm, giá rẻ),
Ván dăm chống ẩm (MFC chống ẩm, như MFC thường nhưng thành phần có chất chống ẩm).
Lựa chọn chất liệu làm tủ bếp có ý nghĩa quan trọng. MDF là gỗ tự nhiên ngắn ngày xay mịn, ép chặt dưới áp suất cao, đặc điểm nổi bật của gỗ MDF như độ bền cao, bề mặt nhẵn, ít cong vênh và có khả năng chống mối mọt tốt. MDF có độ bền rất cao so với các loại gỗ công nghiệp.
MDF lõi xanh chống ẩm: khác với gỗ MDF thường, gỗ MDF lõi xanh có khả năng chống ẩm, mốc, mối mọt vượt trội. Đặc biệt phù hợp với khí hậu Việt Nam bởi nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa mang tính chất nóng ẩm, độ ẩm không khí cao, nhiệt độ cao. Đặc biệt, giá thành rẻ, nhất là so với gỗ tự nhiên.
HDF tương tự MDF xong rất cứng, nặng nên ứng dụng chính là dùng trong làm sàn gỗ, giá thành cao.
Gỗ Plywood: Nhiều lớp gỗ mỏng có độ dày ~1mm có kích thước bằng nhau, ép chồng vuông góc bằng keo chuyên dụng. Được ứng dụng trong sử dụng làm gỗ trang trí.
Xét về các yếu tố cấu tạo, tính ứng dụng trong thi công tủ bếp, MDF lõi xanh chống ẩm là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu đối với thi công tủ bếp, về độ bám vít, chịu lực, chống ẩm, cũng như giá thành thi công.
Chị Chinh chia sẻ: "Hiện nay rất nhiều đơn vị thi công sử dụng tên gọi gỗ công nghiệp chống ẩm chung chung khi báo giá. Ví dụ như: gỗ công nghiệp chống ấm MFC khác hoàn toàn MDF, hoặc MDF chống ẩm thì giữa cốt gỗ Trung Quốc, Thái Lan hay An Cường có sự chênh lệch lớn về giá, do đó khi thi công, các gia đình cần phải nắm được chính xác chất liệu mình đang làm".
Bề mặt phủ có 3 loại: Melamin, Laminate, Acrylic. Trong đó, Melamin: Đa dạng về màu sắc, đẹp có khả năng chống va đập, trầy xước cao, dễ vệ sinh,… giá thành tốt.
Laminate: Màu sắc đa dạng như tương tự Melamin, lớp phủ dày, chống va đập, trầy xước..., giá thành cao. Acrylic : Bảng màu phong phú, nhiều màu đơn sắc, bề mặt sáng, bóng gương dễ lau chùi nhưng dễ xước nên cần lưu ý khi vệ sinh và giá thành cao. Tùy theo mức đầu tư các gia đình có thể chọn bề mặt phủ cho phù hợp.
Thiết kế bếp
Theo chị Chinh, quá trình làm nhà bếp, nghiên cứu về phong thủy, chị nhận thấy bếp là nơi vượng hỏa, do đó khi sắp xếp các thiết bị trong nhà bếp cần phân bố từng khu theo tính chất về Thủy, Hỏa. Ví dụ như: Tủ lạnh, chậu rửa, vòi rửa, máy rửa bát, máy lọc nước, máy rửa bát về một khu vực đảm bảo cách xa bếp nấu ít nhất từ 600-800mm.
Thứ tự sắp xếp nên là tủ lạnh => chậu rửa => Bếp đảm bảo sự tiện dụng trong sử dụng cũng như sắp xếp về mặt phong thủy. Ngoài ra, mọi người tùy theo nhu cầu của gia đình mà thiết kế công năng, chia ngăn tủ bếp cho hợp lý, đảm bảo chỗ chứa đồ cho thuận tiện, gọn gàng.
Kích thước tủ bếp tiêu chuẩn
Tủ bếp trên tiêu chuẩn: cao 700 -750mm, sâu 350mm.
Tủ bếp dưới tiêu chuẩn: cao từ 810-860mm tùy thuộc vào chiều cao người làm bếp, cũng như nhu cầu sử dụng các thiết bị trong nhà bếp, rộng của mặt đá: 600 - 610mm, sâu tủ: 590mm. Khoảng cách từ mặt bàn đá đến đáy tủ trên: 600 - 650mm.
Khi thi công, mọi người cũng nên chú ý đến phần kích thước, có một số bên thi công cạnh tranh về giá họ hạ kích thước tiêu chuẩn xuống, dẫn đến việc có một số thiết bị mình muốn lắp sau lại không đảm bảo kích thước sẽ mất thẩm mỹ và phát sinh nhiều vấn đề.
Các kiểu tủ bếp
Hiện nay, tùy vào thiết kế, diện tích nhà bếp cũng như mong muốn của gia chủ, bếp sẽ có hình dạng phổ biến chữ L, U, I.
Mặt đá bếp
Trên thị trường hiện nay có 4 dòng đá chính trong thi công mặt bàn bếp:
Đá tự nhiên Granite loại dùng phổ biến nhất là đá kim sa trung. Với đặc điểm độ cứng cao, chịu lực tốt bề mặt nhẵn bóng, không thấm nước, các loại dầu mỡ, không bị xước, dễ dàng vệ sinh, chi phí thấp.
Đá Marble hay cẩm thạch: màu sắc đẹp đa dạng như: trắng sứ, vân mây kem oman, vàng,… đá dễ bị ố vàng, bám bẩn. Khả năng chống trầy xước của nó cũng không cao, tính ứng dụng trong làm mặt bàn bếp không tốt, chi phí cao.
Đá nhân tạo gốc thạch anh: Là dòng đá cao cấp có độ cứng thậm chí còn cao hơn cả độ bền của đá tự nhiên. Màu sắc đẹp, đa dạng, dễ dàng vệ sinh trong quá trình sử dụng, và có thể làm mới lại nhưng chi phí cao.
Đá nhân tạo Solid Surface LG: Đá có độ bền cao, khả năng chống bám bẩn, ăn mòn, chống nước hoàn hảo 100%, tính linh hoạt trong thiết kế, có thể uốn cong 3D nhiều hình dạng, dễ dàng vệ sinh, đá có độ bóng mờ. Màu sắc đa dạng, sang trọng, có thể sửa chữa được…, chi phí cao.
Relife