Dấu hiệu con cái bất hiếu ẩn sau rất nhiều hành động, lời nói khác nhau, chúng gây ra những tổn thương tinh thần lẫn vật chất không nhỏ cho đấng sinh thành của mình.
Nhiều người lầm tưởng rằng hiếu thảo là mua những món đồ bổ béo, thuốc bổ đắt tiền, bộ quần áo đẹp, nhà to... tặng bố mẹ, sự thật là người càng lớn tuổi càng trọng tình cảm. Hiếu thảo còn là ở chỗ tôn trọng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc bố mẹ.
1. Xem cha mẹ giữ cháu là trách nhiệm
Nhiều người vì cuộc sống quá bận rộn không có nhiều thời gian cho con cái nên họ nghĩ ngay cách đó là để bố mẹ ở cùng để hỗ trợ mình. Bề ngoài người ta tưởng rằng bố mẹ được ở chỗ đẹp hơn cùng với con cháu, mọi người có thời gian quây quần hơn nhưng sự thật thì không phải là luôn như vậy.
Chuyện trở thành một người giữ trẻ không công không có gì đáng nói, thậm chí vẫn được nhiều ông bà hưởng ứng thế nhưng nhiều người là bậc con cái xem rằng việc đó là chuyện đương nhiên. Thậm chí, mỗi lần con của họ có vấn đề là cáu kỉnh, khó chịu và thậm chí quát mắng mẹ mình.
Bố mẹ chỉ là một người hỗ trợ, người chăm sóc con chính vẫn nên là bố mẹ của đứa trẻ. Một khi ông/bà giúp sức nghĩa là họ đang giúp mình, cần biết tỏ lòng biết ơn cho dù là họ chỉ giúp bạn một ngày.
Thế nên những người là cha mẹ nên tỉnh táo, hãy chọn niềm vui cho mình khi về già. Đừng quá yêu chiều con đến nỗi vừa trông trẻ không công lại còn bị xem nhẹ.
Hãy cho con làm việc nhiều hơn và dạy chúng lối sống tự lập. Điều này không những giúp con trưởng thành, mà còn khiến chúng thấu hiểu sự vất vả thường ngày của phụ huynh, từ đó nuôi dưỡng lòng biết ơn với người lớn.
2. "Biến" tài sản của bố mẹ thành của mình
Nhiều bậc cha mẹ chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm cũng là muốn để tiền lại cho con cháu nhưng không có nghĩa là các con có quyền đòi hỏi tiền bạc của bố mẹ.
Không ít người chi đám cưới số tiền lớn, mua nhà với số tiền quá sức và để cho mẹ phải gánh vác chung với mình.
Và một khi cha mẹ đã nói "đồng ý" một lần, thì chắc chắn sẽ có lần thứ 2, thứ 3. Con muốn nhà sẽ có nhà, muốn xe sẽ có xe, tất cả những thứ đó đều là tiền tích góp dưỡng già của cha mẹ.
Tưởng rằng con thành đạt và ra ngoài khoe như thể nhà và xe là do mình tự kiếm được. Kiểu con cái này, nếu bạn không cứng rắn một chút thì chúng sẽ mãi không học được bài học của mình.
Kiểu con cái lợi dụng lòng tốt của bố mẹ để bào mòn cha mẹ mình, quả thật rất bất hiếu. Hãy thử nghĩ, cha mẹ tuổi già sức yếu, không có tiền dưỡng lão sẽ ra sao? Khi bệnh tật phát sinh, họ nên làm thế nào? Đối xử với bố mẹ như thế thì có cam tâm được không?
3. Cho rằng hiện tại của mình là do bố mẹ
Những đứa trẻ thành công thường hay ca ngợi công lao của bố mẹ còn những người thất bại lại hay đổ lỗi, thậm chí chúng còn cho rằng một phần là do bố mẹ mình.
Có những đứa trẻ không muốn thừa nhận mình đã mắc lỗi và luôn đổ lỗi cho người khác. Ngay từ khi nhỏ nếu cha mẹ chỉ trích sau khi mắc lỗi, chúng có xu hướng bao biện cho bản thân và cố chỉ tay vào người khác. Cha mẹ gặp rắc rối với những đứa trẻ như vậy, bởi vì bọn trẻ nghĩ rằng chúng không làm gì sai.
Nhiều phụ huynh luôn bảo vệ con và bảo toàn lợi ích của chúng nếu ai đó buộc tội con họ làm điều gì đó sai. Một mặt, đó là kiểu hành vi tự nhiên nhưng nếu cha mẹ không thảo luận về tình huống với con trước mà chỉ đổ lỗi cho giáo viên và những người khác thì đứa trẻ sẽ bắt đầu có cảm giác có thể thoát khỏi mọi trách nhiệm. Đó là nguyên nhân trẻ luôn cãi lại và đổ lỗi cho bố mẹ hoặc người khác khi có vấn đề xảy ra.
Trẻ kiêu ngạo và không nhận ra lỗi lầm của mình. Khi lớn lên, chúng có khả năng xảy ra tranh chấp với cha mẹ và không sẵn lòng hỗ trợ hay báo hiếu người sinh thành.
4. Đứa trẻ thường nói bố mẹ vô dụng
Mỗi người có một vận mệnh, có thể bố mẹ bạn không tài năng nhưng có thể nuôi dạy bạn hoặc khiến bạn thành công hơn họ rất nhiều. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là xem thường bố mẹ.
Những đứa trẻ chỉ biết trách cha mẹ không thể cho mình một cuộc sống tốt hơn chỉ cho thấy sự vô ơn của họ. Một khi cha mẹ không thể đáp ứng mong muốn, yêu cầu của chúng, chúng sẽ cảm thấy chán chường, bất mãn.
Chúng không biết trân trọng những khó khăn, vất vả trong cuộc sống của người già, không dành thời gian cho cha mẹ, sẽ chán ghét cha mẹ già nua, ốm yếu.
Đừng oán trách, phàn nàn rằng: “Cha mẹ phải như thế này hay cha mẹ phải như thế kia” mà hãy chân thành nói: “Dù cha mẹ có như thế nào, con cũng sẵn lòng chấp nhận! Cảm ơn về hết thảy những gì cha mẹ đã ban cho con!''.
Cha mẹ cho ta sinh mạng, lại vất vả bao năm để nuôi dưỡng chúng ta nên người, bởi vậy xin đừng bao giờ oán trách cha mẹ không có năng lực, tài cán, không thể cho con cuộc sống tốt hơn. Hãy trân trọng và yêu thương cha mẹ bằng tất cả tấm lòng.
5. Định nghĩ hạnh phúc của bố mẹ giống hạnh phúc của mình
Nhiều người muốn bố mẹ hạnh phúc nên chuyển họ từ ngôi nhà đơn giản ở quê sang ngôi nhà to và khang trang hơn ở thành phố.
Họ thiếu sự nhạy cảm để nhận ra rằng đó không phải là định nghĩa hạnh phúc của bố mẹ. Ở nơi thành phố bố mẹ chỉ thấy lạc lõng, xa lạ, buồn nhiều hơn vui, trong khi đó ở quê có bạn bè, hàng xóm thân thuộc lúc nào cũng rộn rã tiếng cười.
Thế nên đây tưởng là việc tốt nhưng lại khiến cho bố mẹ muộn phiền nhiều hơn.
6. Bề ngoài có vẻ phấn đấu, nhưng thực tế lại ăn bám
Có những người cố gắng bày ra làm ăn nhưng thất bại hết lần này tới lần khác và bố mẹ phải nai lưng ra để trả nợ.
Nhìn bề ngoài, con bạn có vẻ rất siêng năng và cầu tiến. Nhưng thực tế, chúng chẳng có bản lĩnh gì, chúng ảo tưởng về bản thân, không lường sức mình, tạo thêm gánh nặng cho bố mẹ.
Thành công chỉ có thể đảm bảo khi họ phát triển bản thân mỗi ngày và biết tích tiểu thành đại. Không ít người đi làm những việc vặt để gom tiền nuôi giấc mơ khởi nghiệp ở ngoài kia, nhưng nếu một người ngay lập tức mượn tiền bố mẹ hết lần này tới lần khác nuôi giấc mộng làm giàu thì đang gây hại thêm cho bố mẹ của họ.
Với vai trò là người làm bố, làm mẹ, các phụ huynh nên nghiêm khắc hơn, chỉnh sửa cho chúng ngay từ khi còn nhỏ. Bất cứ lúc nào, nếu phát hiện ra con có hành vi không đúng đắn, bố mẹ hãy bình tĩnh chỉ dạy, tránh nạt nộ, quát mắng con.
PV (T/h),