Nhà bếp sử dụng nhiều loại gỗ ghép nên kiến trúc sư Lê Tùng dùng thủ pháp phá vỡ cấu trúc vân gỗ, tạo nên một bề mặt mới đồng đều hơn và những mảng lỗ ra đời.
Căn bếp được coi là trung tâm của nhà, bởi đây là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt của đại gia đình. Từ nấu nướng, ăn uống hay đôi khi là học tập, làm việc ngay trên bàn ăn… đó còn là nơi thổi bùng ngọn lửa hạnh phúc cho gia chủ thông qua việc chế biến món ăn.
Kiến trúc sư Lê Tùng (Hà Nội) bày tỏ: "Cảm xúc là thứ quan trọng trong căn nhà mà mỗi gia chủ sẽ luôn cần. Nhà là của các bạn, hãy dùng trái tim để làm và lắng nghe các kiến trúc sư các bạn chọn, đừng làm những ngôi nhà của người khác".
Với ngôi nhà của mình, anh Tùng tạo nên sự độc đáo, không thể hòa lẫn. Đặc biệt là căn bếp với chi chít lỗ.
Thiết kế với anh không chỉ là tỉ lệ, công năng hoặc những vật liệu thông thường mà còn được gửi gắm vào đó cảm xúc.
Vật liệu sẽ rất xịn nhưng không hẳn sẽ phải bắt buộc mua. Căn bếp này là điển hình, tất cả gỗ được ghép từ những thanh gỗ cuối cùng của xưởng gỗ bị cháy.
Xưởng gỗ này của gia đình anh nhưng một lần sơ suất nên có đám cháy. Toàn bộ nguyên vật liệu trong xưởng bị thiêu rụi, chỉ còn lại những mảnh gỗ nham nhở.
Xuất phát từ hình ảnh: "Vươn lên từ đống tro tàn" và hình tượng con cá hóa rồng… anh đã sử dụng đống gỗ cháy đó thiết kế bếp.
Vì là gỗ ghép nhiều loại nên anh dùng thủ pháp phá vỡ cấu trúc vân gỗ, tạo nên một bề mặt mới cho đồng đều hơn và những mảng lỗ ra đời.
Ngoài ghế bàn đảo, ghế bàn ăn cho 6 người cũng được chú trọng với thiết kế độc lạ.
Anh Tùng vui vẻ nói: "Đây là căn bếp không dành cho những người sợ lỗ nhưng nếu càng ở càng say đắm".
Relife