Sẽ có nhiều người phản đối khái niệm: bệnh tật là món quà cuộc sống, vì thực tế với dịch bệnh như hiện tại mà cả thế giới đang đối mặt, ta càng thấy chúng thật khủng khiếp và đáng sợ hơn bất cứ thứ gì trên đời.
Có vô lý khi nói: Bệnh tật là món quà cuộc sống?
Tôn giả Bakkula - một trong những vị đệ tử của Đức Phật là người may mắn có được sức khỏe ít ai sánh bằng. Ngài được tôn kính cũng bởi là người đứng đầu về sức khỏe, vì trong kinh nói rằng, ở những kiếp trước vị tôn giả này thường đi chữa bệnh cứu người và còn tặng thuốc men cho họ.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ai đang ốm đau, bệnh tật thì bị xem thường, thực tế là hầu hết chúng ta đều mang bệnh trong người, không thân bệnh cũng là tâm bệnh.
Thế nhưng, đừng vì thế mà muộn phiền, chính thầy Thích Chân Pháp Đăng cho biết, bệnh đúng là một ân sủng, một món quà, báo động cho mình biết trân quý cuộc đời. Bệnh tật là cơ hội giúp chúng ta thay đổi nếp sống.
Hãy thay đổi nếp sống trước khi quá muộn
Bệnh tật xảy ra là một thảm họa đe dọa đời sống, bởi nó mang đến cho chúng ta sự đau đớn, sợ hãi và cô đơn thì làm sao mà cho rằng đó là món quà như là một ân huệ được?
Nhìn về mặt tích cực của nó thì khi ta bệnh đó chính là "báo động đỏ" để chúng ta tìm hiểu lại xem mình đã gây hại cho cơ thể mình những gì từ thói quen xấu, chúng đã ảnh hưởng tới sức khỏe của mình tới mức này, từ đó tìm cách thay đổi ngay lập tức.
Cũng giống như việc ta bị đứt tay khi dùng dao cũng là để biết rút kinh nghiệm không phạm sai lầm lần nào nữa. Bệnh tật cũng vậy, nếu chủ quan, không tìm cách để chỉnh sửa sớm thì nguy cơ bệnh tật ngày càng trầm trọng thêm, có khi ta còn không thể cứu lấy mạng của mình.
Ví dụ, hiện nay thế giới đang đối diện và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về người và của từ đại dịch toàn cầu Covid-19 cũng là báo động để chúng ta thấy lối sống từ xưa tới nay của chúng ta đã phạm không ít sai lầm ảnh hưởng tới môi trường, tới việc tổ chức xã hội, con người trong suốt nhiều thập kỷ quá. Đó là lý do ta cần phải thiết lập "bình thường mới" nhằm thích nghi, thay đổi để tồn tại giữa cuộc sống này.
Không ít người từng trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh, bị bệnh suýt chết, đến khi may mắn được cứu sống là họ bỗng thay đổi tâm tính hoàn toàn, họ chọn lối sống khoa học hơn, dành toàn bộ thời gian của mình đi cứu người, chọn cuộc sống tối giản, không còn tranh đua, giành giật với đời nữa.
Khi hiểu rằng bệnh tật là món quà cuộc sống nghĩa là ta đang được gửi tới một thông điệp rõ ràng là: cần thay đổi ngay lập tức, thì trong những giây phút đó mình cần có sự tỉnh giác, đừng chủ quan hay lơ là nữa.
Ví dụ ta có thể thay đổi lối sống cho khoa học hơn, nếu thường xuyên làm việc quá sức, hay thức khuya, ăn uống không đúng bữa, thích tiêu thụ đồ ăn nhanh, hay uống rượu bia.... thì có nghĩa lúc này phải bớt công việc đi, đi ngủ sớm hơn, ăn đúng bữa, ăn đồ lành mạnh, có lợi cho sức khỏe.... Hơn ai hết, ta mới chính là thầy thuốc của chính mình.
Không những thế, ngay cả khi đang bị đau ốm hoặc có những căn bệnh mãn tính cũng không được suy nghĩ tiêu cực, bạn đang đón nhận "món quà" của mình cơ mà. Theo lời Phật dạy cách tự chữa bệnh, ta có thể tự giúp mình giảm đau bằng cách suy nghĩ tích cực, duy trì thái độ sống lạc quan. Dù thân đang bệnh nhưng nhờ có chính niệm giữ tâm vững chãi thì những sợ hãi, đau đớn cách mấy rồi cũng theo vô thường qua đi và chúng ta sẽ ổn thôi.
Kể cả bệnh dịch đáng sợ như Covid-19 có tình cờ "ghé thăm" nhưng không ít người vì hiểu con đường lây lan, quá trình phát triển cùng vị trí của virus trong cơ thể nên đã tìm được các cách trị bệnh hữu hiệu cho chính mình mà không cần nhờ đến bác sĩ hoặc cũng không nằm im chờ chết. Cuối cùng, họ đã có thể chiến thắng được bệnh tật bằng chính trí tuệ và sự hiểu biết của mình bất chấp nỗi sợ hãi đấy thôi.
Bệnh tật quả là một ân sủng, một món quà, báo động cho mình biết trân quý cuộc đời, thời gian và công việc mình đang làm. Thay vì hoang mang khiến cho sức khỏe càng thêm trầm trọng, chúng ta có thể chuyển sự lo lắng ấy thành sức mạnh của việc chiến thắng bệnh tật, trở nên mạnh mẽ, khôn ngoan hơn.
Và điều quan trọng hơn hết là để giảm thiểu thân bệnh chúng ta cần luyện tập lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, ngủ nghỉ điều độ, tránh lạm dụng các chất kích thích, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao hay tập thể dục mỗi ngày.
Đúng là để có thói quen lành mạnh nhằm cải thiện sức khỏe là việc không dễ nhưng là việc quan trọng thì ta nhất định phải rèn luyện, không nên dễ dàng bỏ cuộc.
Học tập lối sống khoa học của Đức Phật
Đạo Phật không chỉ để lại cho ta những lời Phật dạy vô cùng giá trị mà còn là bài học về nếp sống lành mạnh, khoa học của Đức Thế Tôn trong suốt cuộc đời mình.
Ngay từ trong dáng nằm nghỉ của Đức Phật, Ngài nằm nghiêng sang bên phải, tay trái duỗi dài theo thân, tay phải kê đầu. Đây là tư thế nằm cát tường, tạo ra sự yên lành, an ổn cho thân thể và nhất là tâm luôn đạt được sự thức tỉnh.
Về mặt khoa học, ở tư thế này lục phủ, ngũ tạng sẽ nằm đúng vị trí giúp cho máu lưu thông tốt hơn, cột sống được kéo giãn, giảm áp lực do sức nặng từ phần trên cơ thể đè lên. Điều này cho thấy, tư thế đúng khi ngủ rất quan trọng với sức khỏe con người.
Ngài là minh chứng điển hình cho thấy việc sống cùng thiên nhiên rất quan trọng khi Ngài thường chọn địa điểm là trong rừng để làm nơi thanh tịnh tu tập, phần lớn cuộc đời của Đức Phật là ở nơi rừng núi xa xôi hẻo lánh, tránh xa được bụi bẩn, ồn ào nơi phố thị.
Phật thường xuyên đi bộ hành đạo, sau khi thành đạo Đức Phật đã dành cả một tuần lễ, sử dụng khoảng không gian dưới gốc Bồ Đề và đi vòng tròn từ hướng Đông. Ngài xem việc đi bộ là một phần quan trọng của cuộc sống.
Mỗi ngày Ngài đều đi bộ, khi có người nào cần được giáo hóa, Đức Phật tự đi đến hóa độ. Ngài cũng khuyến khích các đệ tử của mình hãy đi thuyết pháp bằng đôi chân của mình. Các vị tỳ kheo cũng thường đi bộ khất thực trong các làng vào buổi sáng sớm.
Hầu hết thời gian trong ngày Đức Phật dùng để hành Thiền vì việc kiểm soát hơi thở ra vào là một bài tập rất có lợi cho sức khỏe cả thân lẫn tâm. Tương tự, theo nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy, người hay ở trong trạng thái Thiền, hệ thống não bộ tiết ra các loại hormone giúp cho tâm hồn thật sự an bình, không còn căng thẳng, tiêu cực.
Trong khi đó, khi một người đang có tâm ở trạng thái bất ổn, cơ thể có những biến đổi về thể chất và tinh thần dẫn đến nguy cơ gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau như tim mạch, gan, thận… và theo Đông y thì điều này gây hại các tạng như can, phế, tỳ, thận. Hiện nay, các nhà trị liệu tâm thần phương Tây cũng đã và đang sử dụng Thiền như một phương thức để ngăn chặn, điều trị và phục hồi những bệnh rối loạn tâm thần.
Đức Phật cùng các đệ tử của mình chỉ ăn một lượng vừa phải, chủ yếu chỉ ăn chay, cùng rau củ quả, ăn những gì được người khác cúng dường, không đòi hỏi phải có mâm cao, cỗ đầy, đơn giản là có gì ăn nấy. Thực tế là hiện nay chúng ta càng cố ăn nhiều món ngon vật lạ hoặc cố sống thọ bằng việc sử dụng các thực phẩm chức năng nhưng kết quả là bệnh tật ngày càng nhiều, đã đến lúc chúng ta cần phải xem lại cả vấn đề ăn uống của mình nếu muốn sống khỏe hơn.
Điều quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe tốt đó là Đức Phật dạy chúng ta phải sắp xếp lịch sinh hoạt hàng ngày đều đặn. Biết một ngày của Đức Phật như thế nào ta sẽ thấy Đức Phật chia làm năm phần: tập thể dục bằng đi bộ, tắm rửa, nghỉ ngơi, thời gian giảng dạy và Thiền định. Ngài cũng xem tinh thần là nhân tố tích cực trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh.
Hãy quý trọng thân mạng của mình
Cuộc sống nếu cứ bình ổn, ta thường mong con thành đạt, người thân có công danh rạng rỡ. Nhưng nếu là một ngày trong vai trò người bố/mẹ chăm con ốm bệnh, người thân nằm viện bạn mới càng hiểu rằng: Chỉ cần con cái, người thân mạnh khỏe là may mắn lắm rồi, không cần họ phải trở thành ông này, bà nọ, một người thành công nào đó làm gì.
Thế nên sức khỏe có thể nói là cực kỳ quan trọng, nếu ai đó đang mạnh khỏe thì hãy trân quý cuộc sống của mình. Vậy mà nhiều người sức dài vai rộng, chỉ trải qua biến cố cuộc đời như bị vợ/chồng phụ tình, kinh doanh thất bại nên phá sản, người đời xem thường, phỉ báng mình,... là lại đi tự tử. Quan niệm Phật Giáo về tự tử rằng hành động đó chính là mở màn cho thống khổ ngút trời.
Quả là hoang phí cả một thân người quý giá!
Có lần Đức Phật khơi một chút đất dính từ đầu móng tay, hỏi: Đất ở móng tay nhiều hay đất ở quả địa cầu nhiều? Nghe vậy, các Tỳ Kheo đáp: Đất trong quả địa cầu nhiều, đất ở đầu móng tay có là bao.
Lúc đó, Đức Phật nói: Chúng sinh khi từ bỏ thân người rồi trở lại thân người cũng ít như đất trong đầu móng tay vậy, còn sinh vào các cõi khác như ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục,… thì nhiều như đất quả địa cầu.
Theo đó, ta có thể thấy, để có được một mạng người sống trên thế gian này vô cùng khó khăn, theo lời Phật dạy, đó là cơ duyên khi ta đủ phước báu sâu dày. Thân người quý báu, khó có được vì thế chúng ta cần phải biết quý trọng cơ hội làm người.
Trong Ngũ thừa phật giáo có khuyên răn chúng sinh cần làm không biết bao nhiêu điều thiện như: phải tu tập các hạnh lành, cúng dường tam bảo, bố thí, phóng sinh, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, sống tình nghĩa với anh em, bạn bè, làm việc tốt cho xã hội,… để tạo phúc cho đời này và đời sau mới mong có lại thân hình con người.
Chúng ta hay đi mong cầu đâu đâu mà không biết rằng mình có được thân người này đã là may mắn biết nhường nào. Vì thế, dù bạn là ai cũng phải quý trọng cơ thể mà mình đang có, những ai làm đều ngược lại rất đáng bị lên án.
PV (T/h)