Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ có bài bàn về người có tri thức, cũng như người lợi dụng hai chữ tri thức để làm những việc không nên có.
Theo Phạm Đình Hổ, thì dù ta có tài giỏi đến đâu cũng nên khiêm tốn, không nên khoe khoang, đến như những bậc vĩ nhân thời xưa còn khiêm tốn, thì những người có chút chữ nghĩa cũng nên học thói này.
Phạm Đình Hổ viết: "Trong sách có những bậc thánh hiền như vua Vũ hễ nghe được ai bảo cho lời hay thì vái tạ, ông Chu Công đi giày xích tích khoan thai coi ra bộ khiêm tốn nhã nhặn, thầy Nhan Tử không dám tự đắc mình là giỏi, có tài thực mà vẫn coi như không.
Ôi ! Ông Vũ ông Chu đều có tài đức cho thiên hạ được nhờ, thầy Nhan dẫu nghèo cùng mà tự mình học giỏi, truyền được đạo thống về sau, thực là có công lắm. Thế mà các ông ấy vẫn khiêm tốn, có phải là giả kiểu cách để cầu tiếng khen đâu! Đó thực là trong bụng khiêm tốn, không dám tự khoe mình là thánh vậy".
Những người được Phạm Đình Hổ nhắc tên đều là những tấm gương sáng cho muôn đời noi theo về tri thức. Họ là những người có công lớn đóng góp cho tri thức nhân loại, nổi tiếng thời xưa, nhưng họ vẫn rất khiêm tốn, không dám tự kheo mình.
Mặc dù những lời trên Phạm Đình Hổ viết cách đây mấy trăm năm, nhưng đến nay ta cần phải học hỏi. Phạm Đình Hổ cũng chê: "Những kẻ chỉ học lỏm được mấy câu mép, nào có quan thiết gì đến đạo tu, tề, trị, bình, thế mà đã ngang nhiên tự đắc. Đó là những kẻ thiểu phu tục tử.
Không kể chi những kẻ tài học hèn mọn, không thể ví được với trời xanh; giả thử quả thật học có giỏi giang chăng nữa, thì cũng chỉ đủ để vinh thân phì gia và làm cho họ hàng được nhờ mà thôi, chứ có ích chúa lợi dân gì cho người đời cậy đâu. Huống chi học thuật đã bất chính, đến khi ứng dụng ra đời thì chỉ làm hại cho thiên hạ, đáng để cho người ta trách mắng, chứ còn lên bộ kiêu căng với ai".
Ông cũng thẳng thắn: "Ta thường thấy những anh hủ nho, những chú trò ngông, mới học được một nghề mọn gì đã khoe khoang tự đắc rằng nay mai làm nên đến chức trọng quan sang, về sau rốt cục lại suốt đời dở dang, chẳng làm nên công cán gì. Bấy giờ mới oán trách tạo vật bất công, đổ tội cho quan trên không biết kén dùng đến mình.
Thường thường họ làm thơ từ oán trách, thậm chí lại chê kẻ nọ, bác kẻ kia, bảo đều là bọn đi thậm thụt van nài luồn lọt cầu cạnh mà làm nên, chứ không phải là thực tài thực học. Ấy, những kẻ chỉ biết trách người mà không biết xét mình như thế, thực đáng thương thay".
Relife