Dưới đây là các điều tránh và nên khi lau dọn bàn thờ. Cuối năm là thời điểm các gia đình Việt tiến hành lau dọn bàn thờ thật sạch sẽ, rồi trang trí, bày biện sao cho đẹp để đón Tết. Bàn thờ là nơi linh thiêng nên có rất cần lưu ý khi lau dọn.
Tránh làm đổ vỡ vật dụng trên bàn thờ
Theo quan niệm của người Việt Nam, những đồ thờ cúng được đặt trên bàn thờ luôn được coi là rất linh thiêng. Đồ thờ cúng thể hiện sự trang nghiêm, thành kính của con cháu đối với gia tiên. Chính vì thế, khi lau dọn bàn thờ cần đặc biệt cẩn thận để không làm đổ vỡ những vật dụng trên bàn thờ.
Sự đổ vỡ bình thường đã không được coi là tốt lành nên đồ thờ cúng bị đổ vỡ thì càng gây ra nỗi bất an, lo sợ những điều xui rủi có thể ập đến trong năm mới.
Tránh xê dịch bát hương
Người Việt coi bát hương là nơi để dẫn dắt hương linh, thần thánh, tổ tiên chứng giám cho gia đình. Ngày giỗ, lễ, Tết, những bát hương trên bàn thờ thường nghi ngút khói nhang, hoặc khi cần kêu cầu gì đó, con cháu cũng thường thắp hương.
Theo quan niệm dân gian, bát hương bị di chuyển tức là bị "động", gia tiên sẽ quở trách. Nếu bát hương bị di chuyển sang hướng xấu, con cháu có thể gặp phải những điều không may mắn, chuyện học hành, công việc không thuận lợi.
Bát hương có vai trò đặc biệt như thế nên trong quá trình lau dọn cần tránh xê dịch bát hương hoặc nhấc bát hương lên. Tốt nhất nên dùng một tay giữ cố định bát hương, tay còn lại dùng khăn lau đi những bụi bẩn bám trên thành bát hương.
Tránh tỉa hết chân hương, dốc hết tro trong bát hương ra ngoài
Tỉa chân hương còn gọi là tỉa chân nhang là việc rút bỏ những chân hương đã cũ trong suốt một năm thờ cúng. Các gia đình thường tỉa chân nhang sau khi đã tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây cũng là việc cần được làm một cách thận trọng, tỉ mỉ, thành kính.
Theo các chuyên gia phong thủy, rút hết chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài là cách làm sai, bởi vừa làm xê dịch bát hương, vừa gây "tán tài" khi tro đổ ra ào ạt. Cách tỉa chân hương đúng là một tay giữ bát hương, một tay rút các chân hương thật nhẹ nhàng để không làm tung tóe tro. Tỉa đến khi còn lại một số lẻ, thường là 3, 5, 7, 9 chân nhang là được. Còn cách lấy tro hương đúng là dùng thìa xúc tro cũ ra, lau sạch bát hương rồi dùng tro mới đổ vào, mang ý nghĩa "tiền vào như nước".
Nên dùng khăn, vải mới, chổi chuyên dụng khi lau dọn bàn thờ
Bàn thờ là nơi tôn kính, thiêng liêng nên những vật dụng dùng để lau dọn như khăn, vải, chổi nên là đồ mới hoặc là đồ cũ nhưng chỉ để dùng riêng cho việc lau dọn bàn thờ. Không sử dụng khăn, vải, chổi đã qua sử dụng hoặc dùng cho các việc dọn dẹp hằng ngày vì chúng mang nhiều uế tạp, không đảm bảo sự tôn nghiêm cho nơi thờ cúng.
Nên dùng nước sạch, nước thảo dược để lau dọn
Theo các chuyên gia phong thủy, nên dùng nước sạch đã đun sôi để nguội để lau dọn bàn thờ. Nếu gia chủ cẩn thận hơn, có thể dùng rượu trắng cho thêm một chút gừng củ giã nhuyễn hoặc nước đun từ 5 loại thảo dược (quế, hồi, gỗ vang, đinh hương, bạch đàn) để làm sạch đồ thờ cúng.
Trong lĩnh vực tâm linh, bàn thờ được coi như nơi để "kết nối" người sống và người đã mất. Nếu được lau dọn đúng cách để đón Tết, bàn thờ sẽ trở nên sạch sẽ, đẹp đẽ, thu nạp sinh khí tốt, con cháu sẽ được hưởng phúc lộc, làm ăn phát đạt, mọi sự hanh thông.
Relife