Người Mông trên những dải núi cao Mù Cang Chải (Yên Bái) từ bao đời nay coi cây sơn tra (táo Mèo) là 'người bạn' rất mực thủy chung của họ.
Quả sơn tra được người vùng cao Mù Cang Chải gọi với cái tên giản dị mà chân thật là quả táo Mèo hay quả "chua chát". Trên địa bàn huyện hiện có trên 6.000 ha cây sơn tra, trong đó trên 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 3.000 tấn mỗi năm.
Diện tích trồng cây sơn tra tập trung chủ yếu ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Chế Tạo… Nhiều năm qua cây sơn tra trở thành một cây trồng mũi nhọn trong kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện Mù Cang Chải.
Những ngày đầu tháng 9, trên khắp các dải núi cao của huyện, bà con tấp nập thu hoạch quả sơn tra. Từng đoàn xe máy chở những bao tải quả sơn tra đi lại nhộn nhịp.
Tại bản Trống Khua, xã Lao Chải, ngay từ sáng sớm, gia đình chị Sùng Thị Bla mang theo cơm nắm lên rừng để thu hoạch quả.
Chị Sùng Thị Bla kể gia đình tôi có gần 2 ha cây sơn tra đã cho thu hoạch. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch là tôi phải huy động cả nhà, rồi nhờ anh em trong bản đến thu hoạch giúp cho kịp thời vụ.
Hiện vào mùa du lịch nên các hộ dân tranh thủ thu hái để bán cho du khách. Tuy nhiên, giá cả năm nay thấp hơn so với năm trước.
Anh Giàng A Ký (ở xã Lao Chải) cho biết năm nay quả sơn tra giá bán trung bình khoảng 5 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ - Phát triển nông nghiệp huyện Mù Cang Chải, chia sẻ trên địa bàn chưa có cơ sở, doanh nghiệp nào lớn để thu mua, chế biến sản phẩm từ quả táo Mèo nên người dân rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Để khắc phục, huyện đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ với các nhà phân phối, bán hàng tại các trung tâm, thành phố, thành lập tổ hợp tác xã thu mua và chế biến sản phẩm quả sơn tra trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, người dân còn được khuyến khích trồng các loại cây sơn tra mới giúp nâng cao năng suất, chất lượng quả để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường.
Theo Tiền Phong