Để có nơi sống ảo "ngàn like", các bạn trẻ phải đánh đổi sự mạo hiểm, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng.
Núi Đá Chồng ở xã Bằng Cả, TP Hạ Long có cảnh quan ngoạn mục, từ lâu đã được biết đến là điểm checkin lý tưởng, nơi đây có mỏm đá được gọi là “đá sống ảo” gồm hàng chục hòn đá xếp chồng lên nhau, tuy nhiên, leo lên đây rất nguy hiểm.
Mỏm Đá Chồng là một phần và được coi là nơi cao nhất của dãy núi Phượng Hoàng, kéo dài từ Uông Bí qua xã Bằng Cả. Mỏm núi này có độ cao chừng 300m so với mực nước biển. Có rất nhiều con đường để khám phá đỉnh núi độc đáo này.
Từ đồi thông Yên Lập, nhiều phượt thủ chạy xe máy men theo con đường lâm nghiệp của người dân địa phương khoảng 30 phút rồi tiếp tục đi bộ 30-45 phút là sẽ “check-in” được đỉnh Đá Chồng. Hoặc du khách có thể chọn di chuyển bằng thuyền chừng 30 phút qua lòng hồ thôn 3 Khe Liêu, xã Bằng Cả là ra được chân núi, từ đây tiếp tục leo bộ khám phá đỉnh núi.
Theo chia sẻ của rất nhiều “phượt thủ” từng tham gia hành trình khám phá Đá Chồng thì để vào được khu vực có mỏm đá “sống ảo” nổi tiếng này, phải vượt qua 2 quả núi với nhiều đoạn đường đất gồ ghề, lắt léo, khó đi. Nếu không phải là dân bản địa thì buộc phải có người dẫn đường để không bị lạc.
Quá trình leo núi, du khách cũng cần chú ý tới những tấm biển chỉ dẫn hai bên đường, biển cảnh báo nguy hiểm do chính quyền xã lắp đặt. Đây là khu vực hiểm trở, các phượt thủ cần phải thận trọng, trang bị những dụng cụ bảo hộ cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân khi leo núi.
Leo lên hòn đá chồng ở làng Plei Thơ Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai thì có phần dễ dàng hơn, nhưng cũng không phải là không nguy hiểm.
Hòn đá chồng ở một ngọn đồi nằm cách trụ sở UBND xã Chư Don chừng 1,5 km. Hơn 1 km đầu, đường dễ đi vì đã đổ nhựa nhưng đoạn sau thì chi chít đá và ngược dốc. Sau chừng 30 phút thì đến chân ngọn đồi cao, tiếp tục đi bộ 100 m theo con đường lởm chởm đá và vô vàn cây rừng tầm thấp thì lên đỉnh đồi.
Đó là một bãi đất tương đối bằng phẳng với khá nhiều đá tảng. Đặc biệt, ở trung tâm khoảng đất có 1 quần thể đá với nhiều tảng xếp chồng lên nhau tạo thành 2 hòn đá có chiều cao khoảng 5 m, tạo cảm giác chênh vênh. Điểm đặc biệt là phần chân của 2 tảng đá chồng lên nhau có đường kính nhỏ nhưng tảng đá ở trên có đường kính lớn, tạo hình như cây nấm hoặc cái ô.
Theo những người già thì nơi này rất linh thiêng, mọi người không được xâm hại. Ngày xưa, trai gái trong làng cưới nhau đều được gia đình dẫn ra núi làm lễ để mong chứng dám, giúp xóa bỏ những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng. Cuộc sống sau hôn nhân, nếu có uất ức vì bị hiềm nghi, nhiều người cũng lên trên núi này cầu khẩn ban phép, hòa giải giúp. Các đôi trai gái yêu nhau cũng thường đưa nhau lên đó hẹn thề.
Với người dân bản địa, nơi đây là vùng đất linh thiêng, không được xâm hại đến cành cây ngọn cỏ. Cho nên đến bây giờ cũng vậy, bà con không ai canh tác, trồng trọt trên đồi.
PV (T/h)