Thung lũng Mai Châu Hòa Bình thu hút du khách bởi vẻ đẹp mơ màng với không khí núi rừng trong lành, mát mẻ và đặc biệt là nét văn hóa đa dạng.
Mai Châu Hòa Bình là một thung lũng xinh đẹp làm ngẩn ngơ du khách. Không chỉ quyến rũ du khách bằng vẻ đẹp mộc mạc của núi rừng, vẻ e ấp của những sơn nữ, mà còn hấp dẫn bởi những tấm lòng ấp áp nghĩa tình của người dân nơi đây.
Đến thung lũng Mai Châu Hòa Bình bạn sẽ có một chuyến đi khám phá vẻ đẹp, văn hóa, ẩm thực Mai Châu tuyệt vời.
Thời điểm để đi du lịch Mai Châu Hòa Bình
Khí hậu ở Mai Châu khá ôn hòa và dễ chịu, mùa hè không quá nóng, mùa đông cũng không quá lạnh. Vì thế bạn có thể du lịch Mai Châu Hòa Bình vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Tháng 5, tháng 6:
Thời điểm Mai Châu đẹp nhất là từ tháng 5, tháng 6 khi những cánh đồng lúa chín vàng, khi đó khắp Mai Châu như được phủ 1 lớp lụa màu vàng óng ánh, bạn chỉ cần mở cửa sổ ra là đã nhìn thấy thẳm lúa chín vàng, lúa có ở khắp mọi nơi trong các làng bản ở Mai Châu.
Di chuyển, đi lại ở Mai Châu
Thung lũng này chỉ cách Hà Nội có 140km và Hòa Bình 60km về hướng Tây Bắc. Vì thế đi lên Mai Châu khá thuận tiện, bạn có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy, đường lên Mai Châu thuận tiện và khá đẹp.
Thung lũng Mai châu khá nhỏ, các điểm thăm quan và bản làng cũng nằm gần nhau cho nên phương tiện di chuyển tiện nhất để bạn khám phá Mai Châu là xe đạp.
Các nhà nghỉ và homestay ở đây đều có dịch vụ cho thuê xe đạp với giá 20-50.000VNĐ/xe nên bạn có thể yên tâm.
Các địa điểm du lịch ở Mai Châu
Đèo Thung Khe
Nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu (Hòa Bình) trên đường quốc lộ 6, đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối.
Đã có rất nhiều người đi qua đèo Thung Khe mà không nhớ tên của con đèo trên mảnh đất Hòa Bình này. Đèo không hùng vĩ như Ô Quy Hồ đất Lào Cai, không cheo leo như Mã Pì Lèng của đất Hà Giang nhưng lại chứa đựng vô vàn hiểm nguy bất ngờ đối với bất kỳ tay lái nào.
Từ Phú Cường, Tân Lạc, con đèo bắt đầu đi mãi dần lên cùng cảnh sắc Hòa Bình thay đổi không ngừng. Đèo dốc chỉ khoảng 7, 8 và cao nhất tầm 10 độ chạy xuyên qua những dãy núi thấp. Quanh cảnh núi đồi chập chùng với thung lũng xanh mát lạnh.
Từ xa, đã thấy đỉnh đèo bên dốc đá trắng, nơi luôn có sẵn vài lán bán ngô, bán cơm lam cho khách dừng chân nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Dốc xuống xuôi về phía Mai Châu và con đèo kết thúc tại ngã ba Tòng Đậu. Trước đó, bạn có thể ngắm cảnh Mai Châu tuyệt đẹp dưới chân đèo.
Thung Khe không có những dốc đứng, không có những cua tay áo cháy phanh nhưng lại nguy hiểm bởi những chiếc xe tải ngược xuôi mỗi ngày cùng màn sương mù đặc quánh mỗi chiều xuống và buổi sớm cản trở tầm nhìn.
Ở Thung Khe một ngày là bốn mùa tươi đẹp. Buổi sớm khi mây trời còn bảng lảng là vô vàn giọt nắng xiên qua biển mây bồng bềnh với màu xanh mát mắt.
Buổi trưa là nắng vàng rót mật trên mọi ngả đường cùng mây trắng, trời xanh.
Buổi chiều là không khí mát mẻ dễ chịu với ánh nắng chiều và mặt trời nhảy nhót sau mỗi khúc cua.
Buổi tối là mây luồn xà thấp trên mọi ngả đường, người đi đường nhìn không rõ vật cách mình trong tầm một mét, lạnh cóng đôi bàn tay.
Cột cờ Mai Châu
Qua khỏi đèo Thung Khe, trước khi xuống đến ngã 3 Tòng Đậu để đi vào trung tâm Mai Châu, có một điểm mà các bạn không thể bỏ lỡ đó là cột cờ Mai Châu.
Trước kia, khu vực này vốn chỉ là một khoảng đất trống mà từ đó có thể ngắm toàn cảnh Mai Châu, sau này được đổ bê tông và dựng lên ở đó một chiếc cột cờ, như một biểu tượng nho nhỏ để các bạn ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi đến với Mai Châu.
Bản Lác
Bản Lác ngày nay đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc trong lòng du khách gần xa.
Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, không hào hoa tráng lệ, không cao sơn mỹ vị mà tất cả đều dân dã, tự nhiên, gần gũi thân thiện khiến du khách một lần tới đây sẽ nhớ mãi không quên.
Bản Lác - Mai Châu: nơi in đậm bản sắc văn hóa người Thái trắng 5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc. Tới nay bản đã tồn tại được 700 năm.
Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm, sau này vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá.
Và cũng từ đó mọi người trong bản đều làm về du lịch và cái tên bản Lác là một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.
Bản Poom Coọng
Pom Coọng nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn, ngụ ý chỉ đồng ruộng - một cái tên giàu tượng hình và nhiều ý nghĩa.
Pom Coọng đã được biết đến là một làng văn hóa, làng du lịch, điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương với gần 70 hộ và hơn 300 nhân khẩu.
Theo truyền thống, người dân Pom Coọng vẫn dựng lên những nếp nhà sàn độc đáo để ở. Những ngôi nhà mọc lên san sát chỉ cách nhau bởi luống rau hay bờ dậu mỏng, ngồi trên cửa voóng, người ta có thể trò chuyện, cùng nhau vui đùa.
Bản Văn
Cách trung tâm thị trấn Mai Châu chỉ khoảng 1km, Bản Văn nằm dưới chân núi Pù Văn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, người Thái ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát…
Không quá xa thị trấn sầm uất nhưng bản Văn vẫn còn khá nhiều nét hoang sơ, mộc mạc, từ phong cảnh đến lối sống bình dị của người dân Thái.
Nếu đến bản Văn vào dịp đầu năm mới, các bạn có thể được tham gia vào các trò chơi dân gian đang được địa phương khôi phục lại như "tó mặc lẻ", kéo co, "keng loong", ném còn, bắn nỏ.
Những trò chơi này góp phần làm phong phú đời sống sinh hoạt người dân trong bản và cũng trở thành một sản phẩm du lịch để thu hút du khách tới bản.
Hang Chiều
Để lên tới Hang Chiều du khách phải trải qua 1200 bậc đá, bên cạnh cửa hang có cây Xà Pùng cổ thụ, đứng sừng sững uy nghi nơi cửa hang, nhưng lại khiêm nhường, đứng sang 1 bên để che chắn cho cửa hang và thuận tiện cho đường đi xuống lòng hang.
Hang Chiều nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Mai Châu. Cửa hang rộng khoảng 10 - 15m, dài ngược lên đỉnh núi khoảng hơn 30m, cách khu dân cư khoảng 350m. Càng lên cao nhìn xuống, thị trấn Mai Châu trù phú và thơ mộng càng hiện ra rõ nét.
Đặc sản Mai Châu
Dân tộc chủ yếu ở Mai Châu là dân tộc Thái, vì thế nét văn hóa ẩm thực của người Thái là đặc trưng của ẩm thực Mai Châu.
Món ăn của dân tộc Thái thể hiện sự kết hợp hài hòa, sự giao lưu, hạ quyện cùng linh khí của núi, của sông, của rừng, của những tấm lòng chân thành giản dị.
Lợn mán:
Mai Châu hay lợn cắp nách là loại lợn được nuôi trong điều kiện thả rông tự nhiên, chăn thả trong rừng nên thịt lợn rất chắc, ít mỡ, thơm ngon và có vị ngọt tự nhiên. Lợn mán được chế biến thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn như luộc, nướng, chả, lòng lợn hay rựa mận.
Mỗi món ăn lại mang một hương vị đặc trưng riêng, ngon thơm khó tả và ngon nhất có thể kể đến là món thịt nướng được nhiều người yêu thích nhất là khách du lịch.
Xôi nếp:
Nếp xôi là món thay thế cơm phổ biến ở vùng cao Tây Bắc, Tiếng Thái gọi là "kháu càng nòi" - nghĩa là gạo dẻo thơm. Đến Mai Châu, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon.
Người Thái luôn chọn nếp nương để làm xôi. Đó là loại nếp người Thái trồng trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mai Châu. Nếp được ngâm nhiều giờ cho mềm trước khi đồ xôi.
Người phụ nữ Thái không đồ xôi bằng nồi, xửng hấp như người Kinh mà cho nếp vào chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không nấu. Việc chế biến rất kỳ công và đòi hỏi sự khéo léo.
Cơm Lam:
Là món ăn dân dã nổi tiếng của người dân Mai Châu, món cơm lam được làm từ gạo nếp dẻo nấu trong ống tre nứa rất độc đáo. Cách làm cơm lam đơn giản mà cực ngon, do đó các bạn không nên bỏ qua món cơm lam khi đến Mai Châu.
Rượu Mai Hạ:
Người Hòa Bình không ai lạ gì rượu Mai Hạ vốn nức tiếng thơm ngon khắp tỉnh và các vùng lân cận. Đâu đâu ở Hòa Bình người ta cũng gọi rượu Mai Hạ là đặc sản.
Rượu cũng được chưng cất từ men lá, không bị pha trộn gì thêm nguyên liệu từ bên ngoài ngoài việc pha nước rượu đầu và rượu cuối, rượu đặc, rót ra đĩa sứ đốt cháy xanh lè như cồn, ai quen độ và men của rượu ngoại mới chịu được không thì nóng ran cả cổ họng, rượu này chủ yếu dùng để ngâm thuốc, rất tốt.
Cá suối nướng:
Trong các lễ hội truyền thống của người Thái không thể thiếu món này, để đảm bảo món cá nướng đạt tiêu chuẩn cần chọn những con cá suối nặng từ 4-6 lạng. Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, bột canh, mì chính.
Sau khi làm sạch vẩy, cá được mổ từ lưng để vứt bỏ mật và ruột, rồi gập ngang cá lại, tẩm gia vị vào giữa dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro củi nóng chừng 15 phút. Cá được hơ nướng trên than hồng chuyển từ màu trắng sang vàng, mùi thơm lựng. Món cá suối ăn với xôi nếp 3 màu và chấm với chẩm chéo thì ngon tuyệt vời.
Relife