Tháp Bà Ponagar Nha Trang là nơi ghi lại nét đặc trưng văn hóa tôn giáo cổ ở Nha Trang - thời kỳ Hindu giáo phát triển mạnh mẽ. Đây được đánh giá là một trong những công trình với lối kiến trúc độc đáo và được công nhận là Di sản văn hóa Chăm Pa lớn nhất Việt Nam hiện nay với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa kỳ vĩ.
Quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo thờ Nữ thần Ponagar (người Mẹ xứ sở của dân tộc Chăm) đã được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ VIII - XIII, dưới những bàn tay điêu khắc tài ba của những người con thuộc vương quốc Chăm Pa cổ. Tháp Bà Ponagar cách trung tâm thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) 2 km về phía Bắc, thuộc phường Vĩnh Phúc, nằm trên ngọn đồi Cù Lao xinh xắn hướng về biển Đông và được ôm lấy bởi từng dòng chảy hiền hòa, trong xanh của con Sông Cái hay Yatran (Sông Lau) - cái tên thân thương mà người Chăm vẫn hay gọi khi nhắc đến con sông này. Quần thể di tích Tháp Bà Ponagar bao gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên, gồm các khu: Tháp cổng và Mandapa; khu đền tháp với các công trình kiến trúc và hoạt động văn hóa tiêu biểu. Trong đó, khu vực Tháp cổng đã được người Pháp phục dựng từ những năm đầu thế kỷ XX dựa theo mô típ trong điêu khắc của người Chăm. Tuy nhiên, dưới sự bào mòn của thời gian, khu Tháp cổng chính nay không còn nữa
Đến với khu Mandapa, đây là khu vực để các tín đồ chuẩn bị lễ vật và dành thời gian tịnh tâm trước khi dâng lễ lên Tháp Chính. Tầng này có chiều dài 20 m và rộng 15 m với bốn hàng cột trụ hình bát giác, gồm 10 cột trụ lớn và 12 cột trụ nhỏ. Trên các thân cột lớn đều được khoét sâu vào bên trong thành một ô hình chữ nhật, chiều cao tương đương với chóp đầu các cột nhỏ và gọi đó là lỗ mộng.
Với tầng trên cùng, là nơi có các ngọn tháp tọa lạc đều được xây dựng bằng gạch nung, xây khít mạch, liền chặt với nhau nhưng hoàn toàn không để lộ ra chất kết dính. Đây là kỹ thuật nung gạch và xây dựng tháp tài tình của người Chăm cổ mà cho đến tận ngày nay vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, đầu thế kỉ XX, khu di tích còn có 6 ngôi tháp. Đến hiện tại, chỉ còn lưu giữ được 4 ngôi đền tháp nhưng kết cấu các bộ phận, mạch nối vẫn tương đối hoàn chỉnh, gồm: Tháp Chính (Tháp Đông Bắc), Tháp Nam, Tháp Đông Nam và Tháp Tây Bắc. Trong đó, Tháp Chính có quy mô lớn nhất, thờ Nữ thần Ponagar và được coi là kiệt tác điêu khắc mang những nét đặc trưng cơ bản và nổi bật nhất của ngôi tháp Chăm hàng ngàn năm tuổi
Ngoài ra, tại Tháp Bà còn tồn tại nhiều bia ký rất có giá trị bằng chữ Phạn và chữ Chăm cổ, có giá trị, ý nghĩa quan trọng đối với công tác nghiên cứu về văn hóa, tôn giáo và lịch sử của những cư dân Chăm Pa.
Với lối kiến trúc độc đáo và những giá trị về lịch sử - văn hóa, Tháp Bà Panogar từ lâu đã không còn là một địa điểm tâm linh, tín ngưỡng dành riêng cho các tín đồ mà trở thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua mỗi khi du khách tới thành phố biển Nha Trang.
PV (T/h)