Với những nhũ đá động Phượng Hòa được nhiều người ví là "viên ngọc trong núi" gần đây được rất nhiều người lui tới.
Quần thể danh thắng hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà nằm cách thành phố Thái Nguyên hơn 40 km về phía Tây Bắc. Đi trên Quốc lộ 1B kết nối Thái Nguyên - Lạng Sơn, du khách dễ dàng nhìn thấy dòng nước trong vắt, tung bọt trắng tuôn chảy như dải lụa.
Hang Phượng Hoàng được chia thành 4 tầng với cấu trúc độc đáo. Nằm trên đỉnh dãy núi Phượng Hoàng ở độ cao hơn 300 m, đây là hang động đẹp với cấu trúc hang trong hang, lối vào các hang là cửa đá chỉ vừa đủ 1 người đi qua, nhưng khi vào trong thì mở ra không gian rộng lớn với những nhũ đá và các khối hóa thạch nhiều hình thù, màu sắc làm cho không gian lung linh, huyền ảo.
Ngoài cùng là hang Sáng diện tích khoảng 200 m2, phía trên lối vào hang là khoảng không khá rộng, luôn đủ ánh sáng. Hang Sáng do tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài nên ít nhũ đá và luôn khô ráo.
Đi sâu xuống phía cuối hang Sáng là 1 cửa đá chỉ lọt 1 người đi khom lưng. Bên trong mở ra không gian rộng lớn hơn nhiều so với hang ngoài - đây là hang Dơi vì thường có loài dơi rừng về cư trú. Hang Dơi có nhiều cột nhũ đá, khối thạch đá lớn giữa hang có hình thù giống tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Tiếp tục đi vào phía trong và xuống dưới chừng 50 m chúng ta sẽ thấy nhiều khối đá, vách đá có hình thù đẹp mắt.
Cuối hang Dơi có 1 hốc đá nhỏ khá dài vừa đủ cho 1 người chui qua, đó là cửa dẫn lối vào hang tiếp theo. Do ở độ sâu khoảng 50 m so với đỉnh núi nên gần như ánh sánh bên ngoài không lọt vào được nên gọi là hang Tối. Để đảm bảo an toàn cho du khách, hiện nay hang Tối và các hang đều được lắp hệ thống chiếu sáng nhiều màu sắc làm nổi bật các hình khối. Du khách đi dọc hang Tối khoảng 50 m sẽ gặp 1 bãi đá rộng khá bằng phẳng, phía dưới là dòng suối nhỏ.
Cuối hang Tối là vách đá cao dựng đứng, lô nhô cột nhũ đá so le như khu vườn nhiều cây cối. Ở độ sâu khoảng 100 m từ đỉnh núi Phượng Hoàng, không khí trong hang luôn mát lạnh.
Dòng suối có nước mát lạnh chảy ra từ trong núi quanh năm, rất nhiều du khách muốn tắm dưới dòng nước này.
Cạnh lối lên hang khô là suối Mỏ Gà, thường gọi là hang Ướt. Đó là dòng nước trong mát chảy quanh năm bắt nguồn từ lòng dãy núi Phượng Hoàng. Ngược theo thác nước chừng 50 m ta bắt gặp 1 cửa hang rộng, vách hang có nhiều nhũ đá, dưới chân là dòng suối mát lạnh, đôi chỗ sâu đến thắt lưng, có thể làm bãi tắm. Những ngày hè nóng bức thì đây là nơi lý tưởng để mọi người “giải nhiệt”, chơi đùa với dòng nước trong lành, hòa mình vào thiên thiên kỳ thú.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa trên núi có một đôi chim Phượng Hoàng sống với nhau rất hạnh phúc. Ngày ngày, chim bố đi kiếm mồi về để chim mẹ nằm ấp trứng. Nhưng một ngày kia, chim bố mải vui, đi theo đàn chim từ nơi khác đến mà quên đường về. Đến khi nhận ra chim bố quay trở về thì chim mẹ đã hóa đá. Quá ân hận, chim bố nằm trên ngọn núi đối diện chờ chim mẹ trở về trạng thái bình thường, nhưng rồi cũng hóa đá. Từ đó núi có tên Phượng Hoàng.
Hang suối Mỏ Gà được đặt theo tên dòng suối Mỏ Gà. Nước suối trong hang chảy ra quanh năm trong xanh, mát lạnh. Từ lòng hang bí ẩn, dòng suối Mỏ Gà chảy chưa bao giờ cạn. Nước suối trong xanh, tạo thành một thác nước nhỏ nơi cửa hang với độ cao chừng 2m, đổ xuống những khối đá lớn, tung bọt trắng xóa, rồi tiếp tục uốn lượn qua các ghềnh đá như dải lụa mềm mại, tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình.
Càng vào sâu trong hang suối du khách càng thấy vẻ đẹp kỳ vĩ do thiên nhiên tạo nên. Trong lòng suối nước xanh trong mát, du khách có thể đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời để tận hưởng sâm rừng, hoa núi.
Nằm xen kẽ bên những dãy núi đá trùng điệp mang tên Phượng Hoàng. Dãy núi Phượng Hoàng như hình chiếc võng khổng lồ chạy dọc từ cánh đồng Na Phài đến hết địa phận của huyện Võ Nhai và ôm trọn hang suối Mỏ Gà, nơi có dòng suối trong xanh mát lạnh như một dải lụa mềm chảy ra từ lòng núi.
PV (T/h)