Ngoài hoa lê, hoa mận, thì tại các tỉnh miền núi phía Bắc còn có một loại cây mà ít người biết đến, đó là mùa hoa sơn tra còn gọi là hoa táo mèo.
Hoa sơn tra thường mọc tự nhiên trong những cánh rừng ở vùng núi cao, nhiều nhất là ở tỉnh Sơn La, Yên Bái và Lào Cai.
Quả sơn tra được bà con đồng bào Mông thu hoạch đem bán để ngâm rượu, ngâm mật ong, đường…
Những năm gần đây, khi nhu cầu tiêu thụ quả sơn tra tăng cao, đồng bào bắt đầu trồng sơn tra để làm cây kinh tế.
Bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La được biết đến là một trong những vùng trồng cây sơn tra lớn nhất tỉnh Sơn La. Diện tích trồng sơn tra ở Nậm Nghiệp lên đến hơn 2.000 hecta, với hàng nghìn gốc cây cổ thụ.
Hoa sơn tra tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp cho núi rừng Tây Bắc, khi hoa đồng loại bung nở vào mùa xuân hàng năm. Cả không gian rộng lớn trắng xóa một màu hoa, gây choáng ngợp cho bất kỳ ai được ngắm nhìn.
Hoa sơn tra khi nở có 5 cánh với nhụy vàng, màu không trắng muốt như hoa mận, hoa mơ mà hơi trắng ngà.
Mùa hoa thường kéo dài từ cuối tháng 2 đến tháng 4 hằng năm, giữa tháng 3 là thời điểm hoa nở đẹp nhất.
Hoa sơn tra còn có một một điểm đặc trưng là mùi thơm nhẹ, thoang thoảng. Không phải mùi thơm ngọt ngào mà lại có nốt hương chua dịu, gợi nét hoang sơ, bí hiểm rất riêng.
Ngoài ra, một món mà bất cứ du khách nào cũng nên thử, đó là rượu sơn tra. Đồng bào người Mông thường chọn những quả sơn tra to, kích thước như chiếc bát con để ngâm rượu.
Rượu sơn tra có vị hơi chua, kèm theo chát nhẹ, có mùi thơm dịu. Rượu khá dễ uống, tuy nhiên cũng rất nhanh say.
Ngồi nhấm nháp từng ngụm rượu sơn tra trong tiết trời đầu xuân hơi se se lạnh, dưới những tán hoa trắng mong manh, là một cảm giác rất "chill" và mê đắm cho bất kì ai.
Relife