Bây giờ bạn hoàn toàn có thể dễ dàng thấy homestay ở khắp mọi nơi, nhưng để chọn được homestay đúng với mục đích mà mình cần thì nhớ hãy tìm hiểu thật kĩ nhé!
Sự trải nghiệm văn hóa
Mình luôn có hứng thú với những mảnh đất mà nó mang trong mình bản sắc riêng, giống như bạn đang trên con đường “chinh phục” vậy. Ở đó mỗi cành cây ngọn cỏ, mỗi ngọn núi con sông đều có câu chuyện riêng và mục đích của mình trong mỗi chuyến đi là để nghe được những câu chuyện đó. Vậy nên, mỗi khi có kế hoạch đặt chân đến một vùng đất nào như thế, mình luôn ưu tiên trải nghiệm văn hóa lên hàng đầu.
Sang chảnh không phải gu của mình
Mình trân trọng những phút giây được tắm nước nóng sau một chuyến đi dài, trân trọng những khoảnh khắc được ngủ trong một khách sạn xa hoa lộng lẫy, nhưng mình yêu sự bụi bặm, chân thực và những gì thuộc về thiên nhiên. Mình sẽ ưu tiên lựa chọn điều mình yêu trước, rồi mới đến những thứ còn lại.
Chủ nhà chính là cuốn cẩm nang du lịch
Ở homestay mình sẽ được trò chuyện với chủ nhà và người dân địa phương nhiều hơn, thông qua đó mình sẽ được nghe những câu chuyện hay những gợi ý mới lạ cho chuyến đi mà nếu không trò chuyện với họ thì không ai chỉ cho mình cả.
Đem lại thu nhập cho người dân địa phương
Nghe có vẻ bao đồng nhưng thật sự là mỗi lựa chọn của chúng ta đều là một viên gạch để xây nên một công trình nào đó. Nếu như bạn để ý thì những nơi được quy hoạch/hỗ trợ làm du lịch cộng đồng thường là những vùng núi và hải đảo, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số và những người dân nghèo sinh sống.
Tối giản chi phí
Cái này cũng dễ hiểu thôi, giá ở homestay bao giờ cũng rẻ hơn khách sạn hay resort. Nhu cầu của mình thì lại không cao như vậy, thường thì mình sẽ có những khoản chi ưu tiên tùy vào mục đích của từng chuyến đi.
Cách lựa homestay và sắp xếp lịch trình
Không phải chuyến đi nào mình cũng chọn ở homestay và không phải homestay nào mình cũng ở, mà mình sẽ căn cứ vào các yếu tố sau:
Thứ nhất, nét văn hóa địa phương nơi mà mình sắp đến có đặc sắc hay không. Nói thế này thì cũng hơi khó hiểu vì đặc sắc hay không thì chưa trải nghiệm sao biết. Nhưng mình sẽ dựa trên sự tìm hiểu sơ bộ.
Thứ hai, lịch trình có cho phép mình ở homestay được hay không, phải đảm bảo được 2 yếu tố đó là: thời gian và lộ trình di chuyển.
Thứ ba, homestay phải đảm bảo được các điều kiện cơ bản: an ninh – an toàn.
Mình ví dụ như này: Trong lịch trình chuyến đi Hà Giang, khi khi mình tìm hiểu về đồng bào người Dao (thôn Nặm Đăm, Quản Bạ) thì mình quyết định ở homestay tại đây thay vì khách sạn ở thị trấn, đấy là yếu tố thứ nhất. Tiếp theo mình đã từng lựa chọn giữa việc đi từ Mèo Vạc về TP Hà Giang bằng đường Mậu Duệ - Du Già hay là đường Yên Minh. Thì mình đã chọn Du Già, dù đường đi xóc nhưng cảnh rất đẹp và homestay ở Du Già thì cực kì chill. Nhưng đấy là mình chọn còn thời gian thì không cho phép mình ở thêm 1 đêm ở Du Già nữa, vậy nên mình vẫn phải đi đường Yên Minh về thẳng TP Hà Giang.
Câu chuyện về bảo tồn văn hóa đi đôi với phát triển du lịch bền vững
Lại quay về phần mở đầu của mình đó là khái niệm homestay ngày càng được mở rộng. Theo các chuyên gia du lịch thì homestay là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh chứ không chỉ đơn giản là dịch vụ lưu trú và mình hoàn toàn đồng ý với điều đó. Chỉ khi nào mà bạn thực sự hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương từ ăn ở đến sinh hoạt và lao động thì bạn mới thực sự được trải nghiệm loại hình du lịch homestay.
Thế nhưng, về mặt kinh doanh, homestay đang bị biến tướng rất nhiều. Một mặt do nhận thức chưa đúng về loại hình du lịch này, mặt khác là do nhu cầu của thị trường, chính bản thân chúng ta – những người khách hàng cũng chưa nghiêm khắc với sản phẩm mà mình đang sử dụng.
Những homestay thực thụ thì chưa biết cách làm dịch vụ thế nào cho đúng vì hầu hết là lao động chưa qua đào tạo chuyên nghiệp, mà được đào tạo thông qua chính sách hỗ trợ của địa phương. Vậy nên nhiều mô hình homestay mọc lên nhưng phát triển không hiệu quả, mặc dù tiềm năng du lịch tại các địa phương này là rất lớn. Còn những homestay “mở rộng” thì lại không thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản về bảo tồn và trải nghiệm văn hóa của du khách, thay vào đó là “hoạt động trải nghiệm không gian check in mới mẻ và độc đáo”. Mà khách hàng ngày nay thì lại rất thích kiểu thứ hai.
Bây giờ bạn hoàn toàn có thể dễ dàng thấy homestay ở khắp mọi nơi, nhưng để chọn được homestay đúng với mục đích mà mình cần thì nhớ hãy tìm hiểu thật kĩ nhé!
Còn bạn, bạn thích kiểu homestay nào?
Chia sẻ của Nguyễn Hoàng Anh Minh
Pv (t/h)