Bán đồ công nghệ cũ không đơn giản như bán đồ nội thất cũ, có rất nhiều điều bạn cần làm để đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật.
1. Sao lưu tất cả dữ liệu
Việc đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần thực hiện trước khi bán điện thoại là sao lưu lại tất cả dữ liệu, bao gồm danh bạ, nhật ký cuộc gọi, tin nhắn, ảnh, video, tài liệu…
Để thực hiện, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) - Google - Backup (sao lưu) - Backup now (sao lưu ngay). Lưu ý, quá trình này đòi hỏi điện thoại phải kết nối Internet hoặc 4/5G.
Khi chuyển sang điện thoại mới, người dùng chỉ cần đăng nhập lại bằng tài khoản Google tương ứng, mọi dữ liệu sẽ được đồng bộ sang thiết bị mới.
Sao lưu lại toàn bộ dữ liệu trước khi bán điện thoại. Ảnh: MINH HOÀNG
2. Xóa tất cả tài khoản
Sau khi sao lưu dữ liệu hoàn tất, bạn hãy xóa tất cả tài khoản liên kết với điện thoại, bao gồm tài khoản Google, Microsoft, WhatsApp, Facebook… và các ứng dụng của bên thứ ba.
Để thực hiện, bạn hãy vào Settings (cài đặt) - Accounts (tài khoản), chọn tài khoản cần gỡ bỏ và nhấn Remove (xóa).
Xóa tất cả tài khoản đang liên kết với điện thoại. Ảnh: MINH HOÀNG
3. Tháo thẻ SIM và thẻ nhớ
Tất nhiên là sẽ chẳng ai muốn chủ sở hữu tiếp theo có được thẻ SIM của mình, do đó, bạn hãy tháo thẻ SIM khỏi điện thoại trước khi bán cho người khác.
Thực hiện tương tự đối với thẻ nhớ (nếu có), điều này sẽ giúp bạn tránh được việc mất dữ liệu quan trọng.
Xem thêm: 6 việc bạn cần làm ngay lập tức khi điện thoại vô nước
4. Khôi phục cài đặt gốc
Đây là bước quan trọng nhất trước khi bán điện thoại cho người khác. Để thực hiện, bạn hãy vào Settings (cài đặt), gõ vào khung tìm kiếm từ khóa Reset (đặt lại) - Factory data reset (đặt lại dữ liệu ban đầu), nhập mật khẩu điện thoại khi được yêu cầu. Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.
Khôi phục cài đặt gốc sẽ xóa sạch toàn bộ dữ liệu và cài đặt trên điện thoại, đưa thiết bị trở về trạng thái mặc định ban đầu như khi vừa xuất xưởng.
Khôi phục cài đặt gốc trên điện thoại. Ảnh: MINH HOÀNG
5. Vệ sinh điện thoại
Điện thoại sẽ bán được giá hơn nếu phần bên ngoài sạch sẽ, màn hình không trầy xước. Việc vệ sinh điện thoại tương đối dễ dàng, bạn có thể sử dụng một miếng vải mềm, thấm dung dịch vệ sinh chuyên dụng hoặc nước và lau nhẹ toàn bộ điện thoại.
Lưu ý, trước khi vệ sinh điện thoại, bạn hãy tắt nguồn, rút bộ sạc, tai nghe và tháo ốp lưng, tránh sử dụng cồn.
6. Nghiên cứu giá cả thị trường
Khi đã hoàn tất mọi thứ, bạn hãy kiểm tra giá của sản phẩm trên thị trường, từ đó niêm yết mức giá chính xác hơn.
Thông thường, điện thoại Android sẽ nhanh mất giá hơn so với iPhone, vì vậy, việc bán sản phẩm sẽ có thể khó hơn đôi chút.
Theo một báo cáo gần đây của SellCell, LG và Motorola là hai hãng điện thoại bị mất giá nhiều nhất trong năm 2021, điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi LG đã đóng cửa hoạt động kinh doanh sản xuất điện thoại.
Khi nói về tỉ lệ mất giá, Motorola One Hyper chiếm vị trí đầu bảng khi mất đến 85,7% giá trị, các vị trí tiếp theo thuộc về Motorola Razr (85,3%) và One 5G (83,8%).
Đối với những chiếc điện thoại có mức giảm giá trị thương mại thấp nhất, iPhone của Apple chiếm 4 vị trí đầu bảng. Cụ thể, iPhone 12 Pro Max, iPhone 12 Pro và iPhone 12 đều giảm giá trị dưới 35%, trong khi đó iPhone 12 Mini đứng ở vị trí thứ 4 với mức giảm 43,8%.
Việc Pixel 5 (một thiết bị Android) lọt vào top 5 mẫu smartphone ít mất giá nhất năm 2021 là điều có thể gây ngạc nhiên đối với một số người. Mẫu smartphone này được Google phát hành vào năm 2020 và chỉ giảm 49,8% giá trị.
Đừng bán điện thoại cho cửa hàng, doanh nghiệp, thay vào đó, hãy bán cho những người có ý định sử dụng để có được mức giá tốt nhất.
Hi vọng với những mẹo nhỏ mà Kỷ Nguyên Số vừa giới thiệu, bạn đọc có thể dễ dàng bán điện thoại với mức giá tốt hơn, đồng thời hạn chế tối đa được việc rò rỉ dữ liệu cá nhân.
Relife