Bên cạnh các thiết bị quen thuộc như iPhone, iPad hay MacBook, Apple từng ra mắt một số sản phẩm mà người dùng có thể chưa từng biết đến.
Năm 1983, Apple hợp tác với nghệ sĩ Myra Burg để làm nên bức tranh logo Táo khuyết 7 màu có thể treo tường. Theo Business Insider, chỉ có 25 bức tranh được chế tác thủ công và bán với giá 350 USD. Có 2 bức tranh đặc biệt được Burg tặng riêng cho các đồng sáng lập Steve Jobs và Steve Wozniak.
OneScanner là dòng máy quét phẳng được Apple ra mắt năm 1991. Thiết bị hỗ trợ quét thang màu xám 8-bit (256 sắc xám), kết nối với máy tính bằng cổng SCSI. Một năm sau, Táo khuyết ra mắt bản nâng cấp Color OneScanner với độ phân giải 600 x 1.200 dpi và thang màu 30-bit, tính năng nổi bật so với những máy quét cùng thời điểm. Apple đã "khai tử" dòng máy này vào năm 1997
Đầu đĩa PowerCD do Philips sản xuất được Apple ra mắt năm 1993. Thiết bị có thể đọc định dạng đĩa CD chứa dữ liệu, âm thanh hoặc Photo CD của Kodak, kết nối với máy Macintosh, TV và dàn loa stereo. Theo WeTheGeek, đây là thiết bị giải trí được người dùng Apple ưa thích vào thập niên 1990.
Máy in Silentype được Apple ra mắt năm 1979, lên kệ sau đó một năm với giá 599 USD. Đây là máy in nhiệt, dùng giấy độc quyền và có thể in 80 cột ký tự. So với những máy in cùng thời điểm, Silentype nổi bật với giá rẻ, hoạt động êm ái, kích thước nhỏ và tốc độ in nhanh.
Tai nghe EarPods vàng hồng khối 18 carat do Jony Ive và Marc Newson thiết kế, được bán đấu giá trên sàn Sotheby's vào năm 2013 để ủng hộ cho tổ chức (RED). Mức giá chiến thắng là 461.000 USD, cao hơn khoảng 16.000 lần so với tai nghe EarPods bình thường.
Jony Ive cũng từng tạo ra Mac Pro 2013 phiên bản màu đỏ để đấu giá từ thiện. Mức giá cuối cùng để sở hữu thiết bị là 977.000 USD, biến nó trở thành một trong những máy tính đắt nhất từng được bán.
Pippin là nền tảng máy chơi game do Apple giới thiệu năm 1996. Phần cứng của Pippin được nhượng quyền cho bên thứ ba với 2 model đầu tiên do Bandai sản xuất, mục tiêu mở rộng hệ điều hành Mac đến nhiều sản phẩm ngoài máy tính. Tuy nhiên, Pippin có giá đắt hơn Sony PlayStation hay Nintendo 64. Năm 1997, Apple khai tử nền tảng này với doanh số trong suốt vòng đời là 42.000 chiếc.
Relife