Một ngày đẹp trời tài khoản của bạn bỗng dưng có tiền ai đó bắn vào, hãy làm theo bước này ngay kẻo bị đối tượng lừa đảo nhé.
Nếu có người chuyển khoản nhầm và yêu cầu người nhận chuyển khoản lại thì cần phải làm gì?
Bạn nên cảnh giác, hết sức bình tĩnh. Bởi ngân hàng sẽ không được cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng. Nên nhớ tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.
Người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc.
Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại.
Còn đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, Mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào và cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.
Tiêu tiền người khác chuyển khoản nhầm, người nhận có phạm tội?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, việc không trả lại số tiền bị chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật.
Trong đó, Điều 579 Bộ luật Dân sự nêu rõ, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, khi được người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản, người nhận nên liên hệ với ngân hàng để giải quyết để tránh vi phạm pháp luật.
Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người thực hiện vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép trên 10 triệu đồng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, nếu sử dụng, chiếm đoạt số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do được người khác chuyển nhầm, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Nếu chiếm đoạt số tiền trên 200 triệu do người khác chuyển nhầm, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
PV (T/h)