Chuột Logitech được giới văn phòng cực kỳ ưa chuộng, từ những dòng phổ thông với tính năng cơ bản cho đến dòng cực kỳ cao cấp như Logitech MX Master 3.
Logitech MX Master 3 sở hữu rất nhiều các ưu điểm về thiết kế, tính năng lẫn kết nối khiến đây là một phụ kiện vô cùng hấp dẫn và đặc biệt được những người dùng macOS cực kỳ ưa chuộng.
Logitech MX Master 3 là hầu hết các món đồ chơi khác của Logitech đều được đóng gói không quá cầu kỳ, chỉ gồm một hộp giấy kết hợp với nhựa khá đơn giản. Bên trong hộp chúng ta sẽ có nhân vật chính là một con chuột, một sợi cáp USB to C để sạc và một đầu thu Unifying receiver với logo hoa thị màu cam quen thuộc.
Dây sạc đi kèm khá dài và đủ thoải mái để bạn vừa sạc vừa sử dụng trong trường hợp chuột hết pin giữa chừng. Tuy nhiên nếu bạn cài phần mềm Logitech Option và cho phép chúng thông báo thì khi các phụ kiện của Logitech đang kết nối gần hết pin phần mềm sẽ báo cho bạn biết để sạc trước khi không thể sử dụng được nữa.
Trên tay - cảm nhận nhanh Logitech MX Master 3
Mình đã xài qua con Logitech M590 Silent được 3 năm, sau đó chuyển qua MX Anywhere 2S gần một năm nay và điểm chung của hai con này khá là nhỏ gọn và vừa tay của mình (ngón tay mình khá ngắn). Vì vậy cảm giác đầu tiên khi sử dụng Logitech MX Master 3 là nó khá to nhưng không quá nặng.
Nhưng có lẽ Logitech cũng đã tính toán cho những người có ngón tay ngắn như mình rồi, phần bấm chuột trái phải được trải dài lên trên chiếm hơn 1/3 chiều dài chuột. Vì vậy mình có thể xài khá thoải mái, chỉ có con lăn mình phải hơi rướn nhẹ (nhắc lại là ngón tay mình thuộc loại rất ngắn), mình nghĩ đa số các bạn đều sẽ sử dụng thoải mái sau một vài ngày làm quen.
Bên ngoài thì con chuột này vẫn được phủ một loại vật liệu giống như cao su cho cảm giác cầm êm ái, thoải mái. Thiết kế công thái học nghiêng thoải về một bên cũng giúp cho việc xài chuột lâu liên tục đỡ mỏi tay hơn kiểu chuột đối xứng. Đổi lại bạn nào thuận tay trái thì bó tay với con này.
Logitech MX Master 3 cũng có khả năng kết nối 3 thiết bị qua Bluetooth hoặc qua Unifying receiver (loại này có thể kết nối được hầu hết chuột, bàn phím Logitech nếu bạn mất đầu thu đi kèm). Trải nghiệm thực tế khi kết nối MacBook lẫn Windows qua Bluetooth thì độ ổn định đều cực kỳ cao, độ trễ cực thấp và thao tác kết nối khá nhanh.
Logitech MX Master 3 sử dụng pin sạc và sạc qua cổng Type-C, dung lượng pin 500 mAh và theo nhà sản xuất công bố thì xài được 70 ngày một lần sạc. Hiện giờ sạc Type-C đã rất phổ biến rồi nên vấn đề sạc lại cũng khá dễ dàng.
Về hệ thống phím bấm MX Master 3 sở hữu tổng cộng 7 phím bấm và 2 con lăn có thể tùy biến tùy thích. Trong đó có một phím bấm bạn có thể kết hợp bấm giữ với thao tác di chuyển chuột lên xuống trái phải. Tổng cộng cho ra khoảng 10 thao tác khác nhau (bao gồm cả chuột trái, phải) và thêm hai con lăn. Trong đó con lăn bên hông có thể để chỉnh âm lượng, cuộn ngang trong Excel, thu phóng thanh timeline khi dựng phim…
MX Master 3 cũng có tính năng Flow để chuyển file từ máy tính này sang máy tính khác. Bên dưới là một mắt đọc 4000dpi, có thể tùy chỉnh và đặc biệt có thể sử dụng trên kính. Mình đã thử lướt trên một chiếc bàn kính trong suốt, bên dưới không có bất kỳ thứ gì khác nhưng vẫn cho độ chính xác cao nhưng tốc độ di chuyển chuột chậm hơn một chút khi dùng lót chuột hoặc trên bề mặt nhám.
Nhìn chung, Logitech MX Master 3 là món phụ kiện cực kỳ hấp dẫn cho dân văn phòng và đặc biệt cho những bạn xài Mac. Chuột Logitech xài trên Mac và có cài sẵn phần mềm Logitech Option thì nó fix luôn vụ cuộn ngược cuộn xuôi mà không cần thiết lập gì thêm.
Relife