Trên khắp Việt Nam có rất nhiều loại đặc sản gắn liền với yếu tố màu sắc, thậm chí có món ngon còn sở hữu 7 sắc cầu vồng vô cùng bắt mắt.
1. Bánh đậu xanh trái cây
Bánh đậu xanh trái cây có nguồn gốc từ ẩm thực cung đình Huế, còn được gọi là "bánh quý tộc" vì bánh chỉ được phục vụ tại các yến tiệc của vua chúa ở hoàng cung hay trong mâm cỗ gia đình quan lại và quý tộc vào các dịp lễ.
Nguyên liệu để làm bánh đơn giản, bao gồm đậu xanh, rau câu, phẩm màu tự nhiên. Công đoạn quan trọng nhất là lên màu cho bánh. Để lên màu đúng chuẩn, nghệ nhân thường nhúng bánh qua một lớp rau câu để tạo độ bóng bẩy và bắt mắt.
2. Lẩu thả Phan Thiết
Món ngon Phan Thiết lẩu thả bắt nguồn từ thói quen của ngư dân vùng biển Mũi Né trước khi du lịch phát triển. Họ thường bỏ những thứ mình kiếm được từ biển vào một chiếc xô sắt, rồi đổ nước vào và nấu lên thành lẩu. Món ăn này được duy trì cho đến nay và nâng tầm lên thành đặc sản địa phương, xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn để phục vụ du khách khắp nơi.
Nguyên liệu không thể thiếu để làm nên món lẩu nức tiếng vùng đất Phan Thiết là cá mai. Tuy nhiên, lẩu thả là món ăn dân dã, có thể thưởng thức quanh năm ở Bình Thuận nên tùy mỗi gia đình mà chọn cá mai, cá đục hay cá suốt… làm nguyên liệu chính.
Sự tinh tế của món ăn thể hiện qua cách trình bày khi tất cả các nguyên liệu đều bắt nguồn từ triết lý âm dương ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ ứng với 5 màu sắc trên món ăn là trắng, xanh, đen, đỏ, vàng cùng ngũ vị gồm cay, chua, mặn, đắng, ngọt.
3. Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ngon truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của người dân tộc Thái ở Tây Bắc. Xôi ngũ sắc thường có 5 màu: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng và được tạo màu hoàn toàn tự nhiên. Màu đỏ của gấc, màu tím từ nếp cẩm, màu xanh là màu tự nhiên của lá dứa; màu vàng thì dùng nghệ tươi.
Khâu quan trọng nhất để món xôi đạt chuẩn chính là chọn gạo. Theo đó, gạo được dùng để làm xôi ngũ sắc chủ yếu vẫn là nếp nương trồng trên núi, trên nương rẫy, hạt to, căng tròn, không gãy vụn…
4. Bún khô ngũ sắc
Bún khô ngũ sắc là món ngon đặc sản trứ danh của vùng đất Cao Bằng. Đặc biệt, bún khô được tạo màu hoàn toàn bằng nguyên liệu thiên nhiên: bún ngô làm từ ngô tẻ nên bún có màu vàng, bún làm từ gạo lứt đỏ, lá chùm ngây màu xanh lá, hoa đậu biếc màu xanh trời, lá cẩm màu tím hoặc khoai lang tím, hay quả gấc hoặc bún trộn từ các màu trên.
Bún khô Cao Bằng được làm theo bí quyết gia truyền nên sợi bún khi luộc lên mềm như bún tươi, không gãy, ăn không ngán, có thể chế biến nhiều món như kèm với canh xương, bún xào, bún ốc và ngon nhất là bún trộn với các nguyên liệu hành, giò, rau củ.
5. Bánh sùng se tay
Bánh sùng se tay là món ăn có nguồn gốc từ miền Tây sông nước. Bánh được làm từ bột gạo, bột năng, nước và các nguyên liệu tạo màu tự nhiên như lá dứa, lá cẩm, hoa đậu biếc, củ dền, cà rốt... Bánh sùng se tay được luộc chín, ăn cùng nước cốt dừa.
Bánh sùng mềm dẻo hòa quyện cùng vị béo của nước cốt dừa tạo nên nét riêng cho món đặc sản trứ danh miền Tây
6. Bánh thuẫn
Bánh thuẫn là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người dân miền Trung. Bánh được làm từ bột khoai hạ (còn gọi là bột bình tinh) kết hợp với trứng, đường. Đặc biệt, trứng làm bánh thuẫn luôn phải là trứng gà ta để giữ cho được hương vị thơm ngon truyền thống.
Relife